Hiệu quả từ mô hình nuôi tôm, cua bãi bồi ven sông
Ông Trần Văn Thổ ở ấp Mỹ Trạch phát triển mô hình nuôi tôm bãi bồi ven sông đã nhiều năm nay. Trước đây, tận dụng nguồn con giống từ thiên nhiên ông Thổ phát triển nghề nuôi thủy sản đem về nguồn lợi không nhỏ. Mỗi năm ông Thổ phát triển 2 vụ nuôi tôm càng xanh đem lại nguồn lợi trên 50 triệu đồng mỗi năm.
Ông Trần Văn Thổ có phần đất ven sông Cổ Chiên với chiều dài trên 150m, thời gian qua ông Thổ đã tận dụng các bãi bồi này cắm chà, nhử tôm trú ngụ, sau 1,5 tháng là dùng lưới bao đăng bắt tôm thiên nhiên. Phần tôm càng xanh bắt được đem bán còn tôm con thì thả nuôi trong ao.
Với diện tích mặt nước trên 4.000m2 nằm ven sông Cổ Chiên, thời gian trước đây ông Thổ trồng lúa thu nhập bấp bênh có năm mất mùa thua lỗ nặng, làm ăn không khá ông Thổ đã chuyển sang nuôi thử nghiệm tôm càng xanh trong ruộng lúa kết quả thu hoạch đạt hiệu quả cao hơn so với ruộng lúa, dần dần ông Thổ đã bỏ ruộng chuyển sang nghề nuôi tôm. Từ đó ông bắt đầu đào mương cải tạo ao và nuôi tôm càng xanh. Đến nay, ông Thổ đã cải tạo được gần 4.000m2 diện tích mặt nước có năm bắt được tôm giống nhiều thả nuôi trong ao vụ đầu thu hoạch gần 50 triệu đồng.
Ông Thổ cho biết: Nuôi tôm bãi bồi rất dễ nông dân không sợ bị lỗ, con giống có thể tự tạo bằng cách đăng, chài lưới hay dở chà trên sông bắt tôm con thiên nhiên hoặc dùng mương nhử mồi cho tôm con vào rồi lượt sang ao khác nuôi. Thức ăn cũng có thể tự chế biến bằng dừa, khoai mì. Nguồn nước ra vào trên sông Cổ Chiên không sợ bị ô nhiễm, tạo điều kiện rất thuận lợi cho tôm phát triển hạn chế rũi ro do dịch bệnh.
Tuy nhiên mấy năm gần đây, nguồn tôm giống từ thiên nhiên có phần khang hiếm. Năm nay, ông Thổ lại chuyển sang nuôi 1 vụ tôm càng xanh và 1 vụ nuôi tôm sú kết hợp với nuôi cua biển. Mùa mưa nước ngọt khoảng tháng 4 âm lịch thì nuôi tôm càng xanh đến tháng 11 là bắt đầu thu hoạch. Vụ thu hoạch tôm càng xanh vừa rồi áp dụng phương pháp nuôi thưa ông thu lãi gần 20 triệu đồng. Theo ông Thổ cho biết: bước sang mùa khô 6 tháng còn lại nước mặn và lợ tiếp đó ông Thổ đã tiến hành cải tạo mương nuôi cua và tôm sú.
Đối với cua biển sau 6 tháng nuôi cua trọng lượng từ 400g đến 500g là bắt đầu thu hoạch được giá cua từ 120.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại. Mỗi vụ như thế ông Thổ tiến hành thả 2000m2 diện tích mặt nước nuôi cua và 2.000m2 nuôi tôm sú. Đối với cua ông Thổ thả với mật độ 4 con/m2 diện tích mặt nước, còn đối với tôm sú thả với mật độ 6-7 con/m2 diện tích mặt nước.
Nhờ áp dụng biện pháp nuôi thưa nên tôm, cua phát triển nhanh, ít bị bệnh, năng suất và chất lượng đạt được khá cao. Nuôi tôm càng xanh, tôm sú và nuôi cua trên mương vườn bãi bồi trên sông rất nhanh lớn, ngoài nguồn thức ăn công nghiệp cộng với nguồn thiên nhiên phong phú do nông dân có thể tự đánh bắt trên sông để làm thức ăn thêm cho cua. Từ 4.000m2 diện tích mặt nước mỗi năm ông thu lãi gần 50 triệu đồng. Ông Thổ tâm sự: “từ ngày chuyển sang nuôi tôm trên đất bãi bồi nguồn lợi kinh tế hàng năm thu hoạch được khá cao. Nhờ đó nhiều năm nay gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn so với trồng lúa trước”.
Nhờ khai thác tốt tiềm năng đất bãi bồi phát triển nuôi tôm càng xanh, tôm sú kết hợp nuôi cua trên vùng đất bãi bồi ven sông Cổ Chiên đã giúp nhiều nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.
Tags: mo hinh nuoi tom, cua bai boi, thuy san