Nuôi tôm sú sạch
Với các mô hình nuôi tôm sú có sử dụng hệ thống quạt nước, có mật độ thả nuôi trên 40 con/m2, cỡ giống P.15 thì gần như 100% các công đoạn, từ cải tạo ao, xử lý ao, nuôi tạo màu nước, đến cho ăn và điều tiết các yếu tố môi trường… đều có sự hiện diện của hoá chất, chế phẩm…
Chưa kể đến việc các ao nuôi ở vụ trước đã bị dịch bệnh, hoặc trong vùng dịch bệnh, rồi khoảng cách giữa các vụ nuôi… thì môi trường trong ao, nguồn nước đã bị ô nhiễm nặng nề bởi các hoá chất và chế phẩm công nghiệp. Trên thực tế, việc sử dụng hoá chất và chế phẩm phục vụ ao nuôi ngày càng tăng về số lượng theo từng vụ nuôi, dẫn đến tình trạng “ lờn hoá chất, chế phẩm”. Vì, ngoài sự hấp thu tự nhiên vào nước, vào đất ao nuôi (môi trường nuôi), phần còn lại sẽ dược hấp thu vào đối tượng nuôi.
Trải qua nhiều vụ nuôi, lượng hoá chất, chế phẩm tăng tỷ lệ thuận với số lần xử lý hàng ngày, hàng kỳ. Kết quả, sau thời gian dài khai thác, môi trường nuôi ngày một đặc quánh các chế phẩm sinh học cùng hoá chất. Và, lượng hoá chất được hấp thu vào con tôm sú gần như tương đương với lượng hoá chất trong môi trường nuôi của chúng. Như vậy, lấy đâu ra sản phẩm sạch cho tiêu dùng?
Để phát triển các mô hình thuỷ sản theo hướng bền vững – an toàn, cần chủ động phòng tránh các loại dịch bệnh, bảo vệ môi trường nuôi để tạo ra nguồn sản phẩm sạch và thực sự an toàn cho con người và môi trường sống. Việc phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản cần:
+ Xây dựng thiết kế các ao nuôi hoàn chỉnh, gồm: Hố thoát cặn đặt giữa ao nuôi có đường kính từ 20 – 30m, sâu hơn đáy ao từ 0,2 -0,5m và có ống dẫn ra ngoài ao. Bố trí các ao cần cân nhắc, phân phối theo tỷ lệ, ao nuôi chiếm 60 -70%, khu ao lắng đọng chất thải chiếm 10%, hồ chứa nước hỗn hợp 5 -20%, hồ chứa nước đầu vào 15 – 20%.
Nước đầu vào được bơm vào ao và giữ trong hệ thống. Riêng nguồn thải được dẫn ra ao xử lý thải, rồi dẫn qua ao lắng. (Chất thải từ ao nuôi tôm chia làm 2 loại cơ bản là chất dinh dưỡng và chất rắn lơ lửng. Hai chất này là hai chất làm suy biến thuỷ vực vùng nuôi và môi trường quan hệ). Từ ao lắng, nước được đưa qua hồ chứa, chờ bơm lại vào ao nuôi.
+ Trong quy trình tuần hoàn này, nước được lưu thông trong hệ kín. Thả cá rô phi trong ao lắng nuôi luân canh tôm – cá nhằm tạo ra hệ thống vi sinh vật tự nhiên và các loài tảo hữu ích. Chúng sẽ tham gia trong quá trình lọc nước tự nhiên. Chỉ dùng Chlorine với nồng độ 30ppm xử lý đầu nước vào tại ao lắng và nước ra tại ao nuôi. Ngoài ra, không dùng thêm hoá chất hay các loại chế phẩm khác. Nước ao nuôi hầu như không tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Do vậy, mầm bệnh cũng dược hạn chế tối đa. Như vậy, giữa việc sử dụng hệ thống tuần hoàn kín và việc sử dụng thuốc, hoá chất… bạn chọn cách nào cho sản xuất của chính gia đình mình?
Tags: ky thuat nuoi tom su, tom su sach, nuoi tom su, nuoi thuy san