Quản lý pH lúc giao mùa
Đối với những người nuôi thủy sản thì giai đoạn này được xem là khoảng thời gian khó khăn vì chất lượng nước trong ao nuôi diễn biến phức tạp và khó kiểm soát.
Một trong những nhân tố môi trường quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống động vật thủy sản như sinh trưởng, tỷ lệ sống, sinh sản, dinh dưỡng… chính là pH.
Độ pH thích hợp cho động vật thủy sản là từ 6,5 – 9, tuy nhiên đối với ao nuôi tôm, cá bà con cần duy trì ở mức từ 7 – 8,5 là tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển. Tác động chủ yếu của pH là làm thay đổi độ thẩm thấu của màng tế bào dẫn đến làm rối loạn quá trình trao đổi muối – nước giữa cơ thể và môi trường ngoài.
pH đã trở nên khá quen thuộc với những người nuôi thủy sản có kinh nghiệm, hầu hết đều có bộ dụng cụ kiểm tra ngay tại chỗ để có thể điều chỉnh pH kịp thời. Tuy nhiên, việc chủ động đề phòng pH trong ao giảm đột ngột trong thời điểm giao mùa, lại chưa được bà con quan tâm đúng mức.
Đối với các tỉnh trong khu vực Đồng Tháp Mười, nơi được xem là có lượng đất phèn tiềm tàng nhiều nhất nhì cả nước thì vấn đề pH trong ao nuôi giảm nhanh sau khi xuất hiện các cơn mưa đầu mùa vẫn thường xuyên xảy ra. Nếu người nuôi không có biện pháp chuẩn bị và xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng các loài thủy sản nuôi bị chết đột ngột với số lượng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Nguyên nhân của việc pH trong ao bị giảm có thể do nhiều yếu tố như phân hủy chất hữu cơ, hô hấp của thủy sinh vật… Tuy nhiên vấn đề pH giảm nhanh đến dưới 4,5 chủ yếu là do đất phèn tiềm tàng bị oxy hóa.
Đối với các ao đang nuôi thì lượng đất phèn trên bờ ao (phần không ngập nước) sẽ tiếp xúc trực tiếp với không khí, xảy ra phản ứng oxy hóa tạo ra acid, lúc này nếu không có mưa thì pH trong ao vẫn ở mức ổn định.
Tuy nhiên, sau khi xuất hiện các cơn mưa đầu tiên, lượng acid này bị rửa trôi xuống ao, làm pH trong nước ao giảm đột ngột. Để đề phòng vấn đề này, người nuôi cần lưu ý một số điều sau đây:
– Thường xuyên kiểm tra pH trong ao nuôi bằng bộ kit nhanh chuyên dụng. Nên kiểm tra 2 lần/ngày vào lúc 8 – 9 giờ sáng, khi mặt trời đã lên cao, lần thứ 2 vào lúc 16 – 17h chiều. Khi kiểm tra nên lưu ý lấy mẫu nước ở giữa ao và cách mặt nước khoảng 0,5 m. Cần tuân thủ các bước lấy mẫu và so màu theo như hướng dẫn đi kèm, sau khi cho dung dịch thuốc thử vào mẫu phải lắc đều và so màu ngay, nếu để quá lâu sẽ cho kết quả không chính xác.
– Sử dụng vôi để giảm pH là phương pháp rẻ tiền và hiệu quả nhất. Có nhiều loại vôi, nhưng người nuôi nên sử dụng loại vôi nông nghiệp, có thể là vôi đá (CaCO3) hoặc vôi đen CaMg(CO3)2. Số lượng vôi cần sử dụng tùy thuộc vào độ pH trong ao. Tuy nhiên, đối với ao đã nuôi nhiều năm, liều lượng sử dụng là 10 – 15 kg/1.000 m2, tạt đều xuống ao và rải trên bờ ao, có thể trên cả lối đi.
Rải vôi trên bờ ao
Mục đích của việc này là giúp cho lượng acid trên bờ ao được trung hòa trước khi bị rửa trôi xuống bờ ao. Biện pháp trên cần được thực hiện trước khi xuất hiện những cơn mưa đầu tiên thì sẽ bảo đảm được hiệu quả mang lại.
Riêng đối với ao nuôi vụ đầu tiên cần sử dụng vôi giống như trên nhưng với liều lượng cao hơn, từ 50 – 70 kg/1.000 m2. Sau khi bón vôi, cần kiểm tra lại pH thường xuyên, nếu pH vẫn còn thấp thi tiếp tục sư dụng lặp lại cho đến khi pH đạt mức yêu cầu.
– Sau khi pH đã ổn định, người nuôi tiếp tục sử dụng các loại men vi sinh và các loại hóa chất gây màu nước, xử lý liên tục từ 5 – 7 ngày, mục đích là làm giảm lượng khí độc trong ao nuôi, kích thích hệ tảo phát triển thông qua đó làm tăng cường khả năng của hệ đệm trong nước. Có như vậy thì pH trong ao nuôi sẽ được giữ ổn định ở mức thích hợp và ít biến động.
Ngoài việc chú trọng quản lý pH trong ao, người nuôi thủy sản cần quan tâm bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất, đặc biệt là vitamin C vào khẩu phần ăn hằng ngày, nhằm làm tăng sức đề kháng của đối tượng nuôi. Có như vậy thì vụ nuôi sẽ thắng lợi và đảm bảo được lợi nhuận.
Tags: quan ly ph luc giao mua, ao nuoi thuy san, xy ly ao nuoi, ao nuoi tom, nuoi trong thuy san