Hạn chế bệnh trên tôm nước lợ – Vấn đề cần quan tâm – Phần 1
Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, bệnh trên tôm diễn biến ngày càng phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm trong tỉnh.
Chính vì thế để giải quyết tốt vấn đề trên nhằm góp phần tăng hiệu quả bền vững cho nghề nuôi tôm, người nuôi tôm cần tuân thủ đúng qui trình kỹ thuật.
Song song đó đặc biệt lưu ý thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Cải tạo ao thật kỹ trước mỗi vụ nuôi, xử lý tốt nguồn nước cấp và nước thải, xử lý ao tôm bị bệnh chết, chọn giống tốt, quản lý ao nuôi, thực hiện tốt công tác cách ly để phòng ngừa lây nhiễm, hợp tác trong nuôi tôm và liên kết 4 nhà.
1. Cải tạo ao trước mỗi vụ nuôi
Đưa lớp bùn đáy ra khỏi ao nuôi và cho vào ao chứa bùn (có thể cải tạo khô hoặc ướt tùy điều kiện thực tế).
Ngâm rửa nền đáy ao.
Kiểm tra pH đất đáy ao để tính lượng vôi bón vào ao.
Lấy nước vào ao (qua lưới lọc) và ngâm 3 – 4 ngày.
Xả bỏ nước trong ao và phơi đáy ao lại 7 – 10 ngày trước khi lấy nước vào gây màu để chuẩn bị thả tôm.
2. Xử lý tốt nguồn nước cấp, nước thải
Để nghề nuôi tôm được bền vững, ngoài ao nuôi cần có hệ thống ao lắng (trữ nước và chuẩn bị nước trước khi cấp cho ao nuôi) và ao xử lý chất thải (xử lý nước thải và chất thải của ao nuôi trước khi thải ra môi trường, hạn chế ô nhiễm).
* Nguồn nước cấp: Khi lấy nước cần kiểm tra kỹ chất lượng nguồn nước, tình hình bệnh tôm ở những vùng lân cận, lấy nước vào thời điểm nước lớn trong ngày.
Các bước thực hiện như sau: Lấy nước vào ao chứa qua vải lọc dày.
Để 3 ngày, kết hợp chạy quạt.
Tiến hành xử lý nước, có 2 cách: Sử dụng Chlorine 25 – 30ppm (25 – 30kg/1000m3) hoặc kết hợp diệt giáp xác đến diệt cá tạp rồi diệt khuẩn.
Sau đó tiến hành gây màu nước.
* Nguồn nước thải: Nước thải từ ao nuôi tôm phải đưa vào ao xử lý để xử lý trước khi thải ra môi trường, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Có thể thả cá rô phi hoặc trồng rong cỏ trong aođể thay thế hoá chất xử lý.