So sánh đặc điểm nước biển và nước lợ trong quản lý ao nuôi tôm (Phần 2)
II/ Thành phần nước và quản lý môi trường nước ao nuôi tôm
1/ Thành phần nước và bón vôi
Người nuôi tôm thường thích bón vôi vào ao nuôi. Tuy nhiên, một số trường hợp thì rất hợp lý, nhưng một số khác thì không.
Ở hàm lượng cao (khoảng 01 tấn/ha), vôi hoạt động như một nhân tố lọc sạch nước và qua đó cải thiện chất lượng nước trong những ao nuôi phú dưỡng bởi sự lắng đọng của thực vật phù du (tảo và phiêu sinh động vật), vi khuẩn và vật chất hữu cơ lơ lửng. Người nuôi tôm ở châu Á thường lợi dụng ưu điểm này của vôi để giải quyết khẩn cấp các tình trạng bất lợi hay gặp trong ao nuôi như tảo phát triển quá mức, chất lượng nước giảm và thiếu oxy.
Thông thường, một lượng nhỏ của vôi không có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng nước. Hàm lượng cân bằng của tổng độ cứng và tổng độ kiềm trong một hệ thống mở có trạng thái cân bằng của Carbon dioxide (CO2) và Calcium Carbonate (CaCO3) là 60 – 80 mg/lit. Chính vì thế mà bón vôi vào ao nuôi đã được bơm đầy nước biển hoặc nước lợ thường không hữu ích bởi vì vôi sẽ khó hòa tan.
Điều này đúng với tất cả các loại vôi (CaCO3, CaO và Ca(OH)2). pH ao tôm thường dao động trong khoảng 7,5 đến 8,5 và việc bón vôi CaO hoặc Ca(OH)2 sẽ loại bỏ Carbon dioxide và là nguyên nhân làm cho pH tăng lên. Việc này có thể gây ra hậu quả không mong muốn là làm giảm năng suất ao nuôi do hạn chế tảo phát triển.
2/ Bón vôi và pH
Do nồng độ cao của các ion trong nước biển, do đó đất ao thường trở nên bảo hòa với các ion cơ bản như Ca, Mg, Na, và K. Như vậy đất đáy ao có chứa muối với pH vào khoảng 8 hoặc cao hơn. Người nuôi thường có xu hướng bón vôi giữa các vụ nuôi, việc làm này không cần thiết ngoại trừ trường hợp đất đáy ao có pH nhỏ hơn 7. Nhiều chi phí và công sức sẽ tránh được một cách đơn giản bằng cách đo pH đáy ao và chỉ bón vôi với đất chua.
3/ Bón vôi và lột xác của tôm
Nhiều người nuôi nghĩ rằng, bón vôi sẽ làm gia tăng hàm lượng can – xi trong nước và giúp tôm lột xác. Điều này có vẻ không đúng lắm. Trong nước biển và nước lợ luôn rất dồi dào Calcium. Ví dụ, bón 50 kg CaO vào ao 1 ha có độ sâu 01 met nước. CaO có chứa 28 kg Calcium, ngay cả khi CaO tan hoàn toàn, nó cũng chỉ cung cấp tối đa 2,8 mg/l Can – xi trong ao.
4/ Sulfate và Hydrogen Sulfide
Nước ao nuôi tôm có nồng độ sunfat rất cao. Khi điều kiện yếm khí phát triển trong đáy ao đất, một số vi khuẩn có thể sử dụng oxy từ sulfate cho hô hấp của chúng. Các sinh vật sản xuất hydrogen sulfide như một chất thải trao đổi chất đó cực kỳ độc hại cho tôm. Vì tính sẵn sàng cao của sulfat trong nước ao tôm, người nuôi phải đặc biệt cảnh giác để tránh sự phát triển điều kiện yếm khí trong ao nuôi của mình.
5/ Silicate, Kali và thực vật phù du
Một số người nuôi thường sử dụng phân bón Silicate để kích thích phát triển tảo khuê. Các tài liệu chỉ ra rằng, khi nồng độ Silicate lớn hơn 1 mg/l thì tảo sẽ không bị giới hạn phát triển bởi yếu tố này. Tuy nhiên, hàm lượng Silicate trong nước biển và nước lợ vào khoảng 3 – 6 mg/l, do đó mà có lẽ silicate không phải là yếu tố đáng quan tâm, đặc biệt trong ao có độ mặn thấp.
Kali là yếu tố dinh dưỡng tối quan trọng cho thực vật phù du phát triển, nhưng thực phật phù du không bị giới hạn phát triển bởi Kali ở nồng độ 1 – 2 mg/l. Do vậy mà việc bón Kali trong ao nuôi tôm là không cần thiết.
Tác giả (tác phẩm gốc):
Giáo sư, tiến sĩ Claude E. Boyd – Department of Fisheries and Allied Aquacultures, International Center for Aquaculture and Aquatic Environments, Auburn University, Alabama 36849-5419 USA.
Nguồn:
Water Composition And Shrimp Pond Management – Comparing Seawater and Brackish Water – The ADVOCATE – Tháng 10 – 2000.