Xử Lí Bệnh Trên Cây Ngô Vụ Đông
Hiện nay, trên cây ngô đông từ giai đoạn 3 – 5 lá đến trổ cờ ở các huyện: Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn… đang xuất hiện bệnh lạ. Triệu chứng của những cây ngô bị bệnh, ở giai đoạn 3 – 5 lá: phiến lá dày, màu xanh đậm và giòn hơn bình thường, phần ngọn bị xoắn hoặc sít lại, phần gốc mọc các chồi phụ.
Ở giai đoạn ngô xoắn nõn đến trổ cờ: các lá phần ngọn ngắn và mọc sít lại, phiến lá dày và giòn hơn bình thường, hoa cờ bị thui, nặng phần ngọn và bị bó lại không phát triển được. Mặt dưới các lá non và lá bánh tẻ có các gờ nổi, sần sùi và có thể sờ thấy được. Bênh gây hại xuất hiện trên nhiều giống ngô khác nhau: BO6, C919, NK66, CP3Q, MX2… Tính đến ngày 16/10/2009, toàn tỉnh đã có 155,6 ha ngô đông bị nhiễm bệnh với tỷ lệ cây bị hại chiếm 1 – 2%, nơi cao 5 – 7%.Theo ông Lê Văn Thiều- Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh, ngày 16 tháng 10, Chi cục BVTV đã chuyển mẫu bệnh của cây ngô ra Viện BVTV để xét nghiệm. Kết quả, hiện nay Viện chưa xác định chính xác là bệnh gì, nhưng đây có thể là bệnh “lùn sọc đen phương nam”, xuất phát từ phía nam của Trung Quốc. Môi giới để truyền bệnh vi rút này là do rầy lưng trắng hoặc rầy nâu nhỏ gây nên.Bệnh rất nguy hiểm không chỉ riêng cây ngô mà còn lây sang lúa. Hiện trên cây ngô đông còn phát hiện rầy xám (rầy nâu nhỏ), đây là đối tượng môi giới truyền bệnh khá nguy hiểm.Chi cục BVTV khuyến cáo do chưa có thuốc đặc hiệu để phun trừ bệnh này, nên chính quyền các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng bám địa bàn, cùng với bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, nếu phát hiện cây ngô có triệu chứng bị bệnh thì trước mắt phải nhổ bỏ và tiêu huỷ triệt để, tránh lây lan trên diện rộng. Đồng thời trồng dặm lại để đảm bảo mật độ cây ngô trên đám ruộng đang thời kỳ cây non.