Bệnh Vàng Lùn, Lùn Xoăn Lá, Lùn Sọc Đen Hại Lúa Và Biện Pháp Phòng Trừ
I- BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOĂN LÁ, LÙN SỌC ĐEN
1. Bệnh Vàng lùn (lúa cỏ):
– Tác nhân gây bệnh: Bệnh vàng lùn (VL) hay bệnh vi rút lúa cỏ do vi rút lúa cỏ gây ra và rầy nâu là môi giới truyền bệnh. Bệnh vàng lùn mới đầu xuất hiện và gây hại nặng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau lan dần ra các tỉnh phía Bắc.
– Triệu chứng: Triệu chứng bệnh vàng lùn có 2 dạng điển hình là lúa vàng lùn và lúa cỏ.
a. Triệu chứng lúa vàng lùn:
– Mầu sắc cây lúa bị bệnh: lá lúa chuyển dần từ xanh nhạt – vàng nhạt – vàng cam- vàng khô;
– Vị trí lá bị vàng: lá dưới bị vàng trước, lần lượt đến các lá trên;
– Vết vàng trên từ chóp lá vàng lần vào trong bẹ;
– Đặc điểm của lá lúa bị bệnh: lá lúa có khuynh hướng xoè ngang;
– Bệnh làm giảm chiều cao và số chồi của bụi lúa;
– Ruộng lúa bị bệnh ngả mầu vàng, chiều cao cây không đồng đều
b. Triệu chứng lúa cỏ:
– Bụi lúa lùn cho ra nhiều dảnh tép, mọc thẳng có dạng giống như bụi cỏ.
– Lá ngắn, hẹp, mầu xanh vàng.
– Lá non có nhiều đốm rỉ sắt hoặc mầu nâu đỏ.
2. Bệnh lùn xoắn lá:
– Tác nhân gây bệnh: Bệnh lùn xoắn lá (LXL) do Vi rút gây ra và rầy nâu là môi giới truyền bệnh. Giai đoạn mẫn cảm nhất là từ mạ đến khi lúa cuối làm đòng.
– Triệu chứng:
+ Cây bị lùn, mầu lá xanh đậm
+ Rìa lá rách gợn sóng, dọc theo gân có bướu
+ Chóp lá biến dạng xoắn tít lại
+ Lúa không trỗ được, bị nghẹn đòng, hạt lép..
– Lưu ý: Có trường hợp trên một bụi lúa đồng thời xuất hiện cả triệu chứng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá:
3. Bệnh lùn sọc đen:
– Tác nhân gây bệnh: Bệnh lùn sọc đen (LSĐ) do vi rút gây ra và rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ là môi giới truyền bệnh – Giai đoạn mẫn cảm nhất là từ mạ đến khi lúa cuối làm đòng. Bệnh đã gây hại trên 42.000 ha lúa mùa năm 2009 tại một số tỉnh phía Bắc.
– Triệu chứng:
+ Cây bị nhiễm bệnh thấp lùn, lá xanh đậm, chóp lá bị xoắn vặn, không trỗ bông hoặc trỗ không thoát và hạt bị lép.
+ Hạt biến màu nâu giống với triệu chứng của bệnh đen lép hạt.
+ Có các nốt phồng màu trắng chạy dọc gân của lá, phiến lá, lóng thân.
+ Các nốt phồng, lúc đầu trắng sau chuyển màu nâu đến đen.
+ Bệnh Lùn sọc đen còn gây bệnh cho ngô (nhất là ngô vụ Đông).
+ Ngô bị bệnh không phát triển được, cây cằn cỗi, đẻ nhánh, lá dầy, xanh đậm có những gờ sọc chạy dọc lá và gân lá, lá giòn, dễ gẫy không trỗ cờ được (nếu bị sớm từ giai đoạn cây con), bị muộn thì có trỗ cờ phun râu nhưng không cho năng suất.
+ Giai đoạn bị hại mẫn cảm nhất của ngô là từ khi gieo trồng đến 6 – 8 lá thật
* Lưu ý: Cần phân biệt bệnh vàng lùn với các triệu chứng vàng lá khác:
– Trên đồng ruộng cũng thường xuất hiện một số dạng bệnh khác có triệu chứng gần giống với triệu chứng bệnh Vàng lùn đó là triệu chứng ngộ độc hữu cơ. Triệu chứng đặc trưng của ngộ độc hữu cơ là khi nhổ cây lúa lên thì thấy đất có mầu đen và rễ bị thối đen.. Do rễ không hút được dưỡng chất nên lá ngả mầu vàng từ chóp lá xuống và từ mép lá vào. (cây lúa bị bệnh vàng lùn bộ rễ vẫn phát triển bình thường)
II. PHÒNG TRỪ BỆNH VÀNG LÙN, LÙN XOĂN LÁ, LÙN SỌC ĐEN
Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen do vi rút gây ra, là đối tượng gây hại rất nguy hiểm trên lúa và ngô cho đến nay chưa có thuốc phòng trị; Rầy là môi giới truyền bệnh, do vậy mức độ lây lan rất nhanh và khó kiểm soát. Vì vậy phải áp dụng tổng hợp các biện pháp phòng trừ:
* Phòng bệnh:
– Gieo trồng giống lúa kháng rầy. Gieo cấy tập trung, thực hiện một vùng, một giống, một thời gian trong khung thời vụ tốt nhất.
– Thực hiện triệt để và đồng bộ các biện pháp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ.
– Xử lý mấm trước khi gieo bằng thuốc đặc hiệu Kola 600FS, Cruiser Plus 312.5FS để trừ rầy ngay từ giai đoạn đầu của cây lúa. Trong vụ xuân che phủ nilon cho mạ để hạn chế rầy xâm nhập (ban ngày mở nilon ).
– Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khoẻ, nhất là giai đoạn lúa non để gia tăng sức đề kháng của cây.
* Trừ bệnh:
Biện pháp trừ bệnh hữu hiệu nhất là tiêu huỷ nguồn bệnh trên đồng ruộng, cụ thể sau:
– Giai đoạn lúa dưới 30 ngày tuổi, nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh trên 20% số dảnh thì phải tiêu huỷ ngay bằng cách tiêu huỷ hoặc cày vùi cả ruộng để diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun trừ rầy triệt để tránh rầy phát tán sang ruộng khác.
Nếu bị nhiễm nhẹ dưới 20% số dảnh thì phải nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ.