Phòng Và Trị Bệnh Cháy Bìa Lá Lúa
Bệnh cháy bìa lá lúa do vi khuẩn Xanthomanos oryzae gây ra, bệnh này khá phổ biến trên ruộng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Bệnh cháy bìa lá lúa xuất hiện và gây hại trên lúa trong vụ Hè Thu nhiều hơn vụ Đông Xuân do thời tiết ẩm ướt, nhiều sương mù, độ ẩm không khí cao.
Các giống lúa nhiễm với bệnh này là Jasmin 85, OM4900, OM 2517. Bệnh xuất hiện và gây hại cho lúa từ giai đọan đẻ nhánh đến đòng trổ và chín. Bệnh có khả năng lây lan trên diện rộng và gây hại khá lớn nếu không phòng trị kịp thời.
Sự xâm nhập và lan truyền bệnh:
Vi khuẩn Xanthomanos oryzae tồn tại sẵn trong đất ruộng, xâm nhập vào cây lúa qua rễ. Từ các vết bệnh trên lá, vi khuẩn lan truyền qua vết thương cơ giới, chỗ lá lúa bị cọ sát, bị rách hoặc qua khí khổng trên lá. Bệnh phát sinh mạnh vào những tháng có nhiều mưa (tháng 8 – 9), thời tiết âm u, ẩm độ không khí cao. Những ruộng bị bệnh nặng là những ruộng có mật độ dày, bón nhiều phân, nhất là dư đạm thì bệnh càng nặng.
Triệu chứng của bệnh:
Bệnh phát sinh chủ yếu trên phiến lá, vết bệnh đầu tiên xuất hiện ở rìa lá như thấm nước và lan dần vào trong giữa lá tạo thành các vết dài màu xanh tái, sau chuyển thành màu trắng xám và phát triển lên chóp lá. Giữa phần lá bệnh và không bệnh nổi lên một đường gợn sóng.
Lá lúa bị bệnh thường có màu trắng xám. Bệnh nặng lan rộng ra khắp phiến lá, xuống tới tận gốc của bẹ lá. Khi bệnh nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp của lá, lúc lúa trổ sẽ thụ phấn kém, hạt bị lem lép nhiều, tỷ lệ hạt chắc trên bông giảm, bông lúa ngắn sẽ dẫn đến giảm sút năng suất.
Phương pháp phòng trị:
Trong vụ hè thu cần canh tác đúng thời vụ, tránh sạ trễ, không để khi lúa làm đòng trổ bông trùng với lúc mưa nhiều. Sạ thưa với mật độ vừa phải, cần áp dụng biện pháp sạ hàng với lượng giống 100 – 120 kg/ha. Sử dụng những giống lúa có khả năng chống chịu với bệnh này, đặc biệt là khi sạ trễ trong vụ Hè Thu thì không nên sử dụng giống Jasmin 85 vì giống này rất nhiễm.
Bón phân cân đối giữa các loại phân đạm, lân và kali, không nên bón thừa đạm làm cây lúa yếu dễ nhiễm bệnh và đổ ngã. Chú ý bón đủ phân kali cho cây lúa cứng cáp. Khi có triệu chứng bệnh phát triển thì ngưng ngay việc bón đạm và các loại phân qua lá.
Phòng trừ bằng thuốc hóa học:
Khi lúa bị bệnh có thể sử dụng các loại thuốc hóa học để trị bệnh như Kasumin 2L, Kasuran 47 WP, Xanthomix 20 WP, Cuproxat 345 SC…Cần tiến hành phun thuốc ngay khi bệnh mới xuất hiện mới đạt hiệu quả cao. Khi phun cần hạ thấp cần phun để thuốc tiếp xúc nhiều với lá, nên phun thuốc vào buổi chiều lúc trời mát, khô ráo.