Đặc điểm sinh lý của cây lúa – Phần 6
3. DINH DƯỠNG KHOÁNG CỦA CÂY LÚA
3.3. Chất lân (P)
Lân là chất sinh năng (tạo năng lượng), là thành phần của ATP, NADP…. Thúc đẩy việc sử dụng và tổng hợp chất đạm trong cây, kích thích rễ phát triển, giúp cây lúa mau lại sức sau khi cấy, nở bụi mạnh, kết nhiều hạt chắc, tăng phẩm chất gạo, giúp lúa chín sớm và tập trung hơn. Lân còn là thành phần cấu tạo acid nhân (acid nucleic), thường tập trung nhiều trong hạt. Cây lúa cần lân nhất là trong giai đoạn đầu, nên cần bón lót trước khi sạ cấy. Khi lúa trổ, khoảng 37 – 83 % chất lân được chuyển lên bông.
Khi ngập nước, hàm lượng lân hòa tan gia tăng từ 0,05 ppm đến khoảng 0,6 ppm, sau đó giảm xuống và ổn định ở khoảng 40-50 ngày sau khi ngập (Hình 4.5).
Hàm lượng lân di động trong dung dịch đất phụ thuộc vào độ pH. Ở pH = 4-8 các ion chủ yếu có mặt trong dung dịch đất là H2PO4 − và HPO4 2− . Đối với năng suất hạt, hiệu quả của phân lân ở các giai đoạn đầu cao hơn các giai đoạn cuối, do lân cần thiết cho sự nở bụi.
Nhu cầu tổng số về lân của cây lúa ít hơn đạm.
Hình 4.5. Những thay đổi về nồng độ của lân hòa tan trong dung dịch đất theo thời gian ngập nước (Ponnaperuma, 1965)
Hiện tượng thiếu lân thường xảy ra ở đất phèn, do bị cố định bởi các ion sắt, nhôm hiện diện nhiều trong điều kiện pH thấp. Thiếu lân, cây lúa cũng lùn hẳn lại, nở bụi kém, lá rất thẳng hẹp và màu sậm hơn bình thường hoặc ngã sang màu tím bầm, lúa sẽ trổ và chín muộn, hạt không no đầy và phẩm chất giảm. Trong tự nhiên lân không ở dạng tự do mà thường là ở dạng hợp chất oxit hóa (P2O5). Các loại phân lân phổ biến hiện nay là super lân (lân lâm thao) 18-20% P2O5 dễ tiêu, Lân Văn điển (Thermophosphat) 8-10% P2O5 dễ tiêu, apatit (đá nghiền) 2-4% P2O5 dễ tiêu. Lân cũng hiện diện trong nhiều loại phân hỗn hợp như DAP (18 N – 46 P2O5 – 0 K2O), NPK,….