Hai giống lúa ĐH815-6 và QNg13
Vụ ĐX 2017-2018, Trung tâm Giống cây trồng – vật nuôi Quảng Ngãi đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn và HTXNN tổ chức sản xuất trình diễn giống lúa ĐH815-6 và QNg13 tại Bình Định.
Giống lúa ĐH815-6 đã khẳng định tại Bình Định
Mới đây, Trung tâm Giống cây trồng – vật nuôi đã tổ chức thăm đồng SX lúa ĐH 815-6 và QNg13. Tham dự có lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông Bình Định và bà con nông dân các địa phương.
Ông Đỗ Đức Sáu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giống cây trồng – vật nuôi Quảng Ngãi cho biết:
Giống lúa ĐH815-6 được chọn tạo từ tổ hợp lai TN15, được Bộ NN-PTNT công nhận sản xuất thử tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. ĐH815-6 có tiềm năng năng suất cao, khả năng chống chịu khá, ít sâu bệnh, dạng hạt hơi bầu, chất lượng cơm trung bình phù hợp với chế biến và để ăn.
Giống QNg13 lai từ tổ hợp lai OM6162/Jasmine và đã được Cục Trồng trọt chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới. Giống đã qua khảo nghiệm quốc gia tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên, năng suất đạt từ 75 – 78,9 tạ/ha, chất lượng gạo tốt, thơm ngon.
Qua khảo nghiệm 2 giống lúa ĐH 815-6 và QNg13 trên chân ruộng 2 vụ lúa/năm tại các vụ ĐX cho thấy đây là bộ giống thích hợp cho cơ cấu chân 2 vụ lúa/năm không chỉ ở Bình Định mà cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Theo kết quả sản xuất, 2 giống lúa trên có tiềm năng, năng suất thực thu cao hơn giống đối chứng (DV108) có khả năng chống chịu tốt sâu bệnh và các điều kiện bất lợi khác.
Tại Bình Định, qua sản xuất trình diễn giống ĐH815-6 trong vụ ĐX 2017 – 2018 được triển khai sản xuất tử tại 3 địa phương gồm huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Tây Sơn (3 vùng sinh thái khác nhau). Kết quả cho thấy giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 110 – 115 ngày phù hợp với cơ cấu mùa vụ tại Bình Định, sinh trưởng mạnh, cây cao trung bình, ít nhiễm sâu bệnh nhất là đạo ôn và rầy nâu. Chịu lạnh tốt, dạng bông chùm, tỷ lệ lép thấp, thích ứng trên nhiều chân đất. Chịu thâm canh, năng suất bình quân 75 tạ/ha, cao hơn đối chứng 13%.
Đối với giống QNg13, trong vụ ĐX năm nay cũng được sản xuất thử tại ba huyện gồm: Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Tây Sơn. Kết quả cho thấy giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 112 – 115 ngày, cây sinh trưởng phát triển tốt, dạng hình gọn, đẻ nhánh khỏe, chống đổ ngã, chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh đạo ôn. Dạng bông chùm, hạt dài, năng suất bình quân đạt 74 tạ/ha, cao hơn đối chứng 10,4%. Giống chịu lạnh tốt, cơm ngon. Nhiễm nhẹ bệnh đốm nâu trên đất thịt pha cát – phèn.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT Bình Định đánh giá cao hai giống lúa mới
Ông Đỗ Đức Sáu cho biết: “Liên tiếp trong các vụ ĐX từ năm 2016 đến nay tại Bình Định chúng tôi đã triển khai sản xuất thử giống lúa ĐH815-6 và QNg13 cho năng suất rất cao, được người nông dân đón nhận”.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: Qua theo dõi sản xuất 2 giống lúa trên nhận thấy đây là bộ giống tốt, khẳng định được năng suất, tính thích nghi, ít sâu bệnh và phù hợp với cơ cấu mùa vụ của tỉnh Bình Định. Vụ tới tỉnh sẽ đưa ĐH815-6 vào cơ cấu giống triển vọng. Còn QNg13 đề nghị trung tâm tiếp tục triển khải sản xuất thử để đánh giá toàn diện hơn và sớm hoàn thành các thủ tục để sớm được công nhận chính thức.