Cây Ớt Xóa Đói Giảm Nghèo
Theo số liệu của ngành NN&PTNT Ninh Thuận, cây ớt ở tỉnh này được trồng hàng năm 850 – 900 ha, sản lượng 7.000 – 7.500 tấn trái tươi. Ninh Thuận là một trong những vựa ớt lớn trong vùng cực Nam Trung Bộ. Trồng ớt là nghề lai rai lượm bạc lẻ. Tuy nó không lấy tiền “một cục” như nho, thuốc lá, mía đường nhưng có ớt chín là nông dân có tiền xài. Xưa nay, trong giới thu mua và người trồng ớt có luật bất thành văn: “Cân ớt trả tiền liền”.
Anh Lê Văn Thông, 42 tuổi, một nông dân có thâm niên trong nghề trồng ớt ở thôn Vạn Phước, xã Phước Thuận, cho biết: Gia đình anh đã trải qua nhiều trồng loại cây từ nho đến cà chua, hành ta nhưng cuối cùng cũng quay trở về với cây ớt. Vốn đầu tư ban đầu cho 1 sào (1.000 m2) ớt chỉ tốn 500.000 đồng làm đất, cấy cây con, làm cỏ, phân bón… Sau 4 tháng là bắt đầu thu hoạch, 3 ngày hái 1 lứa ớt 40 – 50 kg/sào. Cây ớt có “tuổi thọ” trung bình 1 – 2 năm.. Mỗi tháng thu hoạch 10 lứa với sản lượng 400 – 500 kg/sào. Hiện nay, những người thu mua đến tại vườn cân 4.000 đồng/kg ớt tươi. Nếu giá cả ổn định 4.000 – 5.000 đồng/kg thì nông dân trồng ớt có lãi ròng 1 – 1,5 triệu đồng/sào/tháng. Các chủ vựa mua ớt phơi khô xuất bán ra ngoài tỉnh 18.000 – 20.000 đồng/kg. Cứ 4 kg ớt tươi phơi khô được 1 kg. Một gia đình 4 miệng ăn chỉ cần trồng 500 m2 ớt, bán được giá 4.000 đồng/kg là đủ tiền xài hàng ngày.
Cây ớt đã bảo đảm được đời sống cho hàng ngàn nông hộ nông dân. Nhiều gia đình nuôi con ăn học thành đạt cũng nhờ nghề trồng ớt.
Điều đáng nói là nông dân trồng ớt theo kinh nghiệm, thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật của nhà khoa học. Vì vậy, người trồng ớt ở Ninh Thuận mong được sự giúp đỡ của ngành NN&PTNT để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.