Trồng rau răm trên đất ruộng
Sử dụng một cái đòn kê cao hơn mặt ruộng nước để ngồi, đôi tay ướt sũng nước, bà Lê Thị Liên (ấp Phước Tân, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) thoăn thoắt cắt bó gọn gàng những bó rau răm bỏ vào hai cái thau bằng nhôm của đôi quảy gánh. Theo chân bà còn có chiếc tàng lá di động để che mưa che nắng. Đã hơn 5 năm rồi, công việc của bà Liên luôn gắn liền với những vật dụng này.
Bà Liên cho biết, gia đình bà chỉ có 1 sào ruộng, diện tích này quá ít để có thể sống bằng nghề trồng lúa. Bởi trên diện tích này, trồng lúa chỉ thu khoảng gần 300kg mỗi vụ. Trong khi đó chi phí tiền công, phân bón, thuốc trừ sâu cũng mất gần cả triệu đồng, đã vậy những năm mưa nhiều, nước từ núi Dinh đổ về tràn qua kênh làm cho ruộng ngập úng, chẳng thu hoạch được gì, còn trồng rau răm, nếu ruộng bị mưa ngập cũng không bị úng hư như cây lúa.
Trồng rau răm được cái lợi là ngày nào cũng có thu nhập chứ không phải chờ đến vụ như trồng lúa, điều này phù hợp với những người dân ở đây khi diện tích đất không còn nhiều. Với 1 sào ruộng trồng rau răm, mỗi ngày bà Liên cắt được khoảng 20 – 30kg, với giá khoảng 4 – 5.000 đồng/kg, thu nhập trong ngày cũng khoảng hơn 100 ngàn đồng. Một thuận lợi nữa của rau răm là chu kỳ sinh trưởng ngắn, người trồng có thể cắt phần ngọn chừa lại gốc, tiếp tục chăm sóc khoảng 1,5 tháng sau là có thể cho thu hoạch trở lại. Hầu hết những người trồng rau răm ở đây đều chọn cách thu hoạch tỉa mỗi ngày để vừa dễ bán vừa có thu nhập hàng ngày.
Hiện nay, tại ấp Phước Tân có khoảng hơn 15 hộ sống hoàn toàn bằng nghề trồng rau răm, một số gia đình thuê đất để trồng thêm. Bà Phạm Thị Danh, ở ấp Phước Tân cho biết, do diện tích đất của gia đình ít quá nên bà phải thuê thêm gần 4 sào để sẵn công chăm sóc. Với diện tích đất thuê cùng với diện tích đất của gia đình, mỗi ngày bà Danh thu hoạch hơn 100kg rau, năm thu nhập cũng từ 400 – 500.000 đồng. Theo bà Danh, nghề này không phải để làm giàu, bởi chi phí cho tiền công, tiền thuê đất cũng nhiều nên chẳng lời bao nhiêu. Khó khăn nhất của nghề trồng rau răm là khâu tiêu thụ. Vào một số thời điểm rau cho thu hoạch rộ nhưng mỗi ngày bà Liên cũng chỉ thu hoạch tối đa khoảng 30kg rau, bởi hiện chưa có thương lái tiêu thụ, người trồng rau thu hoạch buổi sáng, buổi chiều đưa ra các chợ thuộc khu vực TP. Bà Rịa bỏ mối cho các bạn hàng bán trực tiếp. Do đó, với hơn 5 sào đất trồng rau răm, vào những dịp chợ “dội hàng” bà Danh cũng phải bỏ bờ (thu hoạch không bán được) hàng chục kg. Không chỉ vậy, nhiều lúc giá rau răm xuống chỉ còn 2.500 đồng/kg người trồng rau răm cũng bị thua lỗ.
Rau răm cũng thường xuyên bị bệnh. Theo bà Liên, vào những thời điểm sau thu hoạch, gốc rau răm “phơi mình” trên nắng nóng nên nếu chế độ nước vào ruộng cũng như phân bón không hợp lý, rau răm sẽ bị thối gốc, lúc đó phải tốn công cải tạo đất trồng lại, chi phí đội lên cao. Ngoài ra, những người trồng rau răm chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho rau, còn sử dụng phân vô cơ cây rau sẽ cho lá mỏng, khách hàng sẽ không mua. Hơn nữa khi sử dụng phân vô cơ “tuổi thọ” ruộng rau răm không cao, rau dễ mẫn cảm với thời tiết và dễ bị chết.