Mô Hình Luân Canh Cây Khoai Mỡ
Trồng lúa vụ Đông Xuân, sau đó xuống khoai mỡ, hoặc lúa Đông Xuân – khoai mỡ – tranh thủ vụ củ cải trắng là cơ cấu cây trồng được nông dân các ấp: Long Hòa 2, Long Hòa 1 và Long Phước của xã Long Mỹ, huyện Mang Thít xây dựng thực hiện hàng năm trên đất lúa. Diện tích trồng tuy không nhiều (trên dưới 15 ha) nhưng mô hình này ổn định gần 10 năm nay. Sự bền vững trong canh tác cộng với chất lượng ngon của sản phẩm nên nơi đây là điểm đặt mua khoai mỡ thường niên của các thương lái ở Long An, Cần Thơ. Mặc dù thời gian một vụ trồng dài (khoảng 6 tháng), và chi phí đầu tư cao hơn so với các loại màu khác nhưng thu nhập từ cây màu này khá hấp dẫn. Nhiều hộ đã xây được nhà, mua sắm phương tiện sinh hoạt và có dư để đầu tư thuê thêm đất mở rộng diện tích trồng.
Tháng 3, thời điểm mà nông dân ở các địa phương trong tỉnh đưa khoai lang, bắp, đậu nành, mè, dưa hấu,…xuống ruộng thực hiện chuyển đổi cây trồng nhằm thu lợi nhuận cao hơn và tiến tới xây dựng mô hình sản xuất bền vững thì tại Long Mỹ, bà con cũng đang xới đất, ốp giồng, cắt mặt khoai giống chuẩn bị cho vụ trồng mới 2010. Giống trồng chủ yếu là khoai ruột tím dạng củ dài. Sau vụ mùa bội thu năm rồi, năm nay, bà con tăng diện tích, trồng nhiều hơn. Anh Ngô Viết Sơn – cộng tác viên khuyến nông xã ước tính, toàn xã có khoảng 25 ha, trong đó, tập trung ở Long Hòa 2 (khoảng 17 ha). Ít đất canh tác, vốn đầu tư khá cao, mặt khác trồng khoai mỡ cần nhiều công làm đất, công trồng và thu hoạch nên mỗi hộ chỉ trồng vài công. Một số nhà có đủ điều kiện, nhân công thì mướn đất, trồng 7- 8 công. Đa số người mướn đất trồng là người đã có kinh nghiệm, canh tác qua nhiều vụ. Như chú Nguyễn Văn Bồi, ấp Long Hòa 2, vụ này trồng 7 công, anh Nguyễn Văn Đức, cũng ở ấp này, trồng 5 công. Anh Đức cho biết, gia đình anh chọn và theo đuổi cây khoai mỡ nhiều năm nay là do đây là cây quen thuộc của địa phương, nhiều người trồng, thương lái đã biết đến nên dễ tiêu thụ, khi đến mùa thu hoạch là liên hệ qua điện thoại, cho ghe tới tận nhà mua; và quan trọng là ít rủi ro, nhẹ công chăm sóc, có lời khá so nhiều loại cây trồng khác, đối với lúa cùng vụ thì hơn gấp nhiều lần. Với giá bán năm rồi, từ 2.500 – 5.000 đồng/kg tùy thời điểm (bình quân 3.500 đồng/kg), một công khoai cho thu 8 – 9 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 3 – 3,5 triệu tùy đất nhà hay đất thuê, còn lời 4,5 – 5,5 triệu.
Vài năm trở lại đây, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của các cán bộ nông nghiệp huyện nhà, kết hợp với kinh nghiệm đúc kết qua nhiều vụ trồng nên nông dân đã nắm vững qui trình canh tác. Bà con bón phân cân đối, hợp lý hơn, phòng trừ hiệu quả các đối tượng dịch hại hơn. Vì thế, năng suất cũng như chất lượng khoai đã tăng lên. Vụ trồng 2009 vừa qua, bình quân 2,8 tấn/công, có ruộng trúng đạt tới 3 tấn. Tuy nhiên, có vụ giá khoai xuống thấp, chỉ khoảng 1.400 đồng/kg, người trồng không lời nhiều, thậm chí bị lỗ do phải thuê đất, mướn nhân công. Chính quyền địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân đã có hướng giúp nông dân tìm đầu ra ổn định cho loại màu gần như là truyền thống này của xã. Vụ khoai năm nay, một công ty ở Đồng Nai (công ty FNC) đã đến địa phương đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm cho nông dân với điều kiện trồng giống khoai Thục Linh do công ty ứng trước. Nhưng công ty này giao giống trễ nên hợp đồng chưa thể thực hiện. Được biết, Hội nông dân xã cũng đang chuẩn bị củng cố lại Hợp tác xã trồng màu của địa phương nhằm hỗ trợ kỹ thuật, đầu ra cho nông dân trồng khoai mỡ nói riêng và rau màu nói chung.