Kỹ thuật gieo trồng cây mướp cho năng suất cao
Phương pháp gieo trồng cây mướp cho năng suất cao
Đặc tính của cây mướp
Mướp là một loài dây leo, có kỹ thuật trồng cây rất đơn giản và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam. Thân cây có góc cạnh, màu lục nhạt. Lá to, đường kính từ 15 – 25 cm. Hoa có màu vàng. Hoa đực mọc thành chùm, hoa cái mọc đơn độc. Quả thường có chiều dài 25 cm đến 100 cm. Mặt ngoài vỏ quả màu lục nhạt, trên có những đường gân xanh, chạy dọc theo chiều dài quả.
Khi quả chín, quả chỉ còn lại khối xơ cứng, dai, không bị nước làm mục hỏng. Khi ngâm vào nước xơ sẽ phồng lên và mềm, có thể dùng cọ tắm, rửa bát. Quả mướp ta không có mùi thơm như quả mướp hương. Mướp ta cho quả to, vỏ màu xanh xẫm. Mướp thường được trồng vào mùa xuân. Nông dân thường trồng để lấy quả ăn, nấu canh hay xào. Quả già dùng làm xơ mướp để rửa bát. Ngoài ra, mướp còn được dùng làm thuốc.
Trong quả mướp có chất saponin, chất nhầy, xylan, chất bép protein (1.5%) vitamin B và C, muối nitrat. Trong nhân hạt có 41 – 45 % chất dầu. Theo đông y, quả mướp có vị ngọt, thanh nhiệt, trừ phong thấp, lợi tiểu, tiêu đờm, mát máu, giải độc, thông kinh mạch, làm ra sữa, khỏi lở, sưng đau nhức và bổ khí an thai.
Kỹ thuật trồng cây
Đầu tiên, người dân cần làm đất kỹ, lên luống rộng 2,5m, bón lót 18 – 20 tấn phân chuồng, 120kg lân và 30kg kali/ha. Sau đó, người trồng phải rạch hàng trên luống (mỗi luống chỉ trồng 1 hàng) rồi tra hạt, cách 30cm tra một khóm 2 – 3 hạt, về sau tỉa đi để lại một khóm 2 cây, giữ với mật độ 7.000 – 10.000 cây/ha.
Việc tỉa cây, bón thúc, xới vun cần được thực hiện cho đến lúc mướp leo kín giàn khoảng 2 tháng. Nếu chỉ bón thúc cho mướp khi cây sinh trưởng xấu, kém vì mướp rất hay bị lốp phân, tức là chỉ leo kín giàn mà không cho quả. Lượng phân bón thúc cho 1ha mướp bao gồm: NPK 300kg, urê 200kg và kali 30kg, chia đều lượng phân cho nhiều lần bón. Cây được 20 ngày cần được bón thúc bằng nước phân pha loãng.
Sau đó, cứ 20 ngày người chăm cây lại bón thúc cho cây một lần nhằm vào giữa hai kỳ hoa tạo điều kiện cho cây có sức ra được nhiều hoa quả. Khi mướp mọc được 2 – 3 lá thật, người trồng phải chuẩn bị làm giàn cho mướp. Cây cao 20cm cần được cắm mỗi hốc 1 cây dóc để mướp leo lên giàn. Giàn mướp nên được làm kiểu mái bằng. Hệ thống giàn cần được làm vững chắc, giàn cao 2 m, bắt dây bò đều trên giàn. Khi mướp đã lên giàn, người dân nên tỉa bỏ hết lá ở gốc cho thoáng.
Nếu mướp bị lốp lá xanh đen, ít quả do thừa đạm, người trồng cần lấy mũi dao sạch rạch đôi đoạn thân cách mặt đất 1m, cuốc lật đất sâu 20cm, cách gốc 1m, bón mỗi gốc 1 – 2kg kali clorua, mướp sẽ bị chột và sai hoa, nhiều quả sau khi xử lý 20 – 30 ngày.
Từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch từ 80 – 100 ngày, thời gian thu hoạch có thể kéo dài cho đến tháng 9. Năng suất trung bình của mướp có thể cho từ 40 – 50 tấn/ha. Quả để giống phải là quả to, không sâu bệnh, từ quả thứ 2 – 3 trở lên, người trồng để quả già trên cây như bầu, phơi thêm rồi gác lên gác bếp, lấy hạt cho vụ sau.
Chế độ chăm sóc
– Chế độ tưới nước: dẫn nước vào mương tưới thấm, mướp rất sợ úng nước, mương tưới bị đọng nước lâu quá 10 giờ phải khai thông thoát nước. Do đó đất cần phải được thoát nước tốt. Tưới nước đều đặn theo chu kỳ, tùy theo độ bốc thoát hơi nước, độ ẩm của đất.
– Làm cỏ: nhổ cỏ xung quanh gốc mướp bằng tay hoặc phun thuốc diệt cỏ như Onecide.
– Làm cỏ dưới mương tưới: có thể làm cỏ bằng tay hoặc phun thuốc diệt cỏ Gramoxon hoặc NuFarm. Phun các loại thuốc này cần phải dùng loa che béc phun để tránh thuốc dính vào lá hoặc thân cây mướp khỏi bị cháy hoặc chết khô.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu – vật phá hại
– Các loại côn trùng phá hại quan trọng và cách phòng trừ như sau:
– Chuột: Cắn phá hạt lúc gieo dùng thuốc chuột Phosphure kẽm, Clerat, bẫy hoặc sau khi gieo nên phun thuốc trừ sâu có mùi hôi làm chuột không dám đến gần
– Dế, sâu đất, sùng đất: Ăn đứt rễ mầm hạt giống, đọt non, cây non, xử lý Basudin hạt vào đất 10 – 15 kg/ha (xử lý thuốc dọc theo đất trồng),rải 20 – 30 hạt Basudin/hốc sau khi gieo
– Bọ rùa: Ăn lá non, đọt non, phun Peran, Cyperin….
– Sâu vẽ bùa (dòi đục lòn): Sâu đục lòn dưới lớp biểu bì, làm lá dễ bị khô cháy, nhiễm bệnh dẫn đến thất thu năng suất, xử lý: Thianmectin 0.5 ME
– Sâu xanh, sâu ăn tạp: Cắn phá lá non, đọt non, bông, trái mướp suốt từ cây con đến thu hoạch, xử lý: Thianmectin 0.5 ME, Peran, Amate
– Bọ trĩ, rầy mềm, rầy bông: Chích hút nhực đọt non, lá non làm cây kém phát triển dẫn đến năng suất kém, xử lý: Oncol, Confidor, Decis…
– Rầy trắng, rầy xanh: Chích hút nhựa, truyền bệnh virus làm cây không phát triển. Xử lý: Mospilan, Oncol, Thianmectin 0.5 ME + Dầu khoáng
Bệnh
– Bệnh thối cổ rễ: Vết bệnh xuất hiện tiếp giáp với mặt đất giữa rễ và thân. Phòng trừ: No Mildew 25 WP, Bảo Đắc tưới rễ, Marthian 90 SP
– Cháy lá, đốm lá: Trên lá xuất hiện những đốm bệnh màu nâu đến màu xám. Xử lý: Than M 80WP, hoặc Bavisan 50 WP + No Mildew 25WP
– Thán thư và đốm lá do vi khuẩn: Các đốm bệnh xuất hiện trên lá già, nếu bệnh nặng có thể lây lan qua trái. Xử lý: Marthian 90 SP, No Mildew 25 WP, Thane M 80WP,…
– Sương mai: Đốm bệnh xuất hiện trên lá khi ẩm độ khho6ng khí cao, nếu bị nặng có thể thất thu năng suất. Xử lý: Thane M 80WP, Amikta…
– Bệnh héo xanh: Khi ẩm độ đất cao, nấm bệnh dễ xâm nhập vào rễ, làm cho cây chết héo đột ngột. Trồng trên đất thoát nước tốt, phun thuốc Marthian 90 SP…