Hiện tượng rụng trái chôm chôm hàng loạt do ảnh hưởng của thời tiết và biện pháp hạn chế
Những ngày qua nhiều nông dân trồng chôm chôm hết sức bàng hoàng, lo lắng khi phát hiện vườn chôm chôm đang mang trái bị rụng hàng loạt chỉ sau một đêm duy nhất (đêm 29 tháng 9 năm 2012 tức đêm trung thu 14 tháng 8 năm Nhâm Thìn). Theo ghi nhận bước đầu cho thấy tỉ lệ rụng bình quân từ 30-40% lượng trái trên cây, tùy theo giống trồng, trong đó giống chôm chôm Ronrieng của Thái Lan có tỉ lệ rụng cao nhất có vườn rụng hơn 50%, kế đến là giống chôm chôm Java. Điều đặc biệt của hiện tượng chôm chôm rụng hàng loạt chỉ xảy ra sau một đêm ở hầu hết các nơi và điểm đáng lưu ý là chỉ xảy ra đối với những cây đang mang trái ở giai đoạn qua cơm (khoảng 8-9 tuần sau đậu trái) còn giai đoạn hình thành trái chỉ rụng sinh lý bình thường và giai đoạn trái chín thì hoàn toàn không thấy rụng.
Trong ảnh: Chôm chôm rụng trái hàng loạt.
Hiện tượng này cũng được ghi nhận vào đêm 13 tháng 9 năm 2009. Vấn đề trên có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân sau:
Quá trình hình thành và phát triển trái chôm chôm từ sau đậu trái đến khi thu hoạch khoảng 15-16 tuần. Khoảng thời gian đó có 03 đợt rụng trái, gồm 02 đợt rụng sinh lý vào tuần thứ 02 và tuần thứ 04, trong đó ở tuần thứ 02 tỉ lệ rụng trái non chiếm khoảng 50% lượng trái trên cây và tuần thứ 04 rụng tiếp khoảng 30% nữa, nguyên nhân việc rụng trái ở hai giai đoạn này là do yếu tố nội sinh của quá trình đậu trái, như quá trình thụ phấn, thụ tinh không hoàn chỉnh. Riêng đợt rụng thứ 03 vào tuần thứ 8,9 sau đậu trái, đây là giai đoạn hết quan trọng quyết định lượng trái còn lại ở mỗi cành trên cơ sở cân đối nguồn dinh dưỡng, nếu nguồn dinh dưỡng lúc này đầy đủ sẽ duy trì được lượng trái nhiều hơn và ngược lại, tỉ lệ rụng trên dưới 10%, cho nên lần rụng trái này nông dân còn gọi là rụng lược trái hay so trái. Tỉ lệ đậu trái đến khi thu hoạch còn khoảng 3-5% trong điều kiện bình thường.
Như vậy, hiện tượng rụng trái hàng loạt trong giai đoạn này một phần là do mất cân đối dinh dưỡng kết hợp với tính nhạy cảm của yếu tố sinh lý trong giai đoạn chuyển từ hột sang hình thành cơm trái dưới tác động của yếu tố bất lợi của thời tiết.
Thực tế cho thấy, thời tiết trước đó có những diễn biến rất phức tạp, mưa to trời lại âm u liên tục và kéo dài nhiều ngày đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sống của cây chôm chôm. Một phần do độ ẩm không khí cao nên lá chôm chôm không thoát được hơi nước kết hợp với thiếu sáng nên không tổng hợp được dinh dưỡng, bên cạnh đó lại thừa nước trong đất làm hoạt động của hệ thống rễ cũng bị ảnh hưởng, do vậy dinh dưỡng trong giai đoạn này lại càng mất cân đối làm cho lượng trái phải rụng tăng thêm.
Tỷ lệ rụng rất cao.
Từ những lý giải trên, để hạn chế rụng trái chôm chôm hàng loạt trong giai đoạn trái hình thành cơm khi có yếu tố bất lợi của thời tiết, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Trước khi hiện tượng thời tiết bất lợi xảy ra, ngoài lượng phân bón gốc theo mỗi đợt cũng cần tăng cường phun phân qua lá với hàm lượng cân đối giữa NPK. Đặc biệt cần chú ý nhiều đến các nguyên tố trung vi lượng nhất là nguyên tố Ca, Bo và các chất kích thích sinh trưởng như NAA. Đồng thời phun ngừa bệnh thán thư gây thối trái với các thuốc gốc đồng, gốc Carben…
– Khi có thời tiết bất lợi xảy ra cần hạn chế tối đa lượng nước trong mương vườn bằng cách xiết nước lại kết hợp bơm thoát nước (nếu cần thiết), còn có điều kiện thì nên đậy mủ gốc trước đó. Đồng thời hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn.
– Sau khi thời tiết bất lợi kết thúc (sau 5-7 ngày) tiến hành vệ sinh vườn, áp dụng giải pháp rửa cây bằng nước sạch hoặc rung cây để rửa nước mưa nhằm tác dụng loại bỏ môi trường thích hợp của nấm vừa làm cho bào tử nấm theo nước xuống đất. Sau đó phun lặp lại các loại phân phun qua lá như giai đoạn đầu kết hợp thuốc ngừa bệnh. Nếu có đậy mủ gốc thì đất sẽ tương đối ráo nước cần tiến hành bón phân theo quy trình kỹ thuật, còn không thì nên đợi nắng tốt, đất ráo khô, rễ phục hồi và phát triển trở lại mới tiến hành bón phân.
Thực hiện tốt các biện pháp trên sẽ hạn chế tối đa hiện tượng rụng trái Chôm chôm hàng loạt, nhất là trong điều kiện canh tác rãi vụ với thời điểm cho trái trong những tháng thời tiết có diễn biến bất thường như hiện nay