Trái Sapoche (Hồng Xiêm) – Phần 2
Giá trị dinh dưỡng:
100 gram quả phần ăn được chứa:
– Calories 83
– Chất đạm 0.44 g
– Chất béo 1.10 g
– Chất xơ 1.40 g
– Calcium 21 mg
– Sắt 0.80 mg
– Phosphorus 12 mg
– Potassium 193 mg
– Sodium 12 mg
– Beta-Carotene (A) 60 IU
– Riboflavin (B2) 0.020 mg
– Niacin (B3) 0.200 mg
– Pantothenic acid (B5) 0.252 mg
– Pyridoxine (B6) 0.037 mg
– Ascorbic acid (C) 14.7 mg
Về phương diện dinh dưỡng: Quả sapôchê lúc chưa chín chứa nhiều tannins (loại proanthocyanidins) nên rất chát.
Khi quả chín, tannin được chuyển đổi hầu như hoàn toàn, chỉ trừ trong phần vỏ.
Lượng tannins trong quả thay đổi từ 3.16 đến 6.45 %.
Nói chung, tại nhiều nơi trên thế giới, quả sapôchê chín, có thể ăn tươi hay tốt hơn ướp lạnh, xẻ làm đôi và ăn bằng muỗng xúc.
Sapochê được xem là món ăn tráng miệng lý tưởng, tuy nhiên nên cẩn thận đừng nuốt hột, vì hột có móc có thể gây thương tổn cổ họng.
Thịt của quả có thể xay chung với các trái cây khác làm nước uống hay thực phẩm để giải khát.
Tại Indonesia, sapochê còn được sắt lát mỏng, chiên xào; tại Mã Lai quả được hầm chung với nước cốt chanh hay gừng.
Thành phần hóa học:
Ngoài thành phần dinh dưỡng trong quả (như trên).
Các phần của cây còn chứa một số hợp chất:
Hạt chứa: Saponine (1%) ; Hợp chất đắng Sapotinin (0.08%); dầu béo; cyanhydric acid..
Hạt được xem là có độc tính: Ăn hơn 6 hạt có thể bị đau bụng và ói mửa.
Độc tính của hạt sapochê:
Dịch chiết bằng nước của hạt Sapôchê có độc tính cấp tính khi thử trên chuột nhà và chuột nhắt (liều chích qua màng phúc toan LD50= 190 mg/kg đối với chuột nhắt và 250 mg/kg đối với chuột nhà) gây ra các triệu chứng khó thở, ngộp thở và co giật.
Phân chất dịch chiết xác nhận chất gây độc là hợp chất loại saponin, nhiệt bền, liều LD50= 30-50 mg/kg khi chích, nhưng không độc khi cho uống.
(Toxicon No 22-1984)
Vật lạ lọt vào đường hô hấp tại Việt Nam:
Tai nạn vật lạ lọt vào đường hô hấp thường xẩy ra nơi trẻ em và chỉ thỉnh thoảng mới gặp nơi người lớn.
Vật lạ này tùy thuộc vào cách ăn uống của nạn nhân.
Tại BV Phạm Ngọc Thạch, Saigon đã ghi nhận (2004), 50 trường hợp vật lạ lọt vào đường hô hấp trong đó đa số là do hạt sapochê.
Hạt được lấy ra sau khi nạn nhân được gây mê tại BV.
Hạt sapôchê không cản quang, nên sự định bệnh thường chỉ được xác nhận sau khi bệnh nhân bị nhiễm trùng do phản ứng.
(Revue de Pneumologie Clinique Số 60-2004)