Kỹ Thuật Trồng Phủ Bạt Đu Đủ Giống Phi 786
Việc dùng màng phủ nông nghiệp (bạt plastic) phủ lên mặt luống rồi mới trồng cây đu đủ có thể hạn chế được rệp truyền virus cho cây, hạn chế cỏ dại, ổn định nhiệt độ đất, thúc đẩy cây phát triển, vào mùa khô giữ được độ ẩm đất, giảm lượng nước bốc hơi, khi trời mưa tránh cho đất bị xói mòn gây tổn thương bộ rễ và nước mưa thấm xuống đất gây nên quá ẩm và phân bị rửa trôi…
Dùng bạt phủ nông nghiệp trồng Đủ đủ là một biện pháp kỹ thuật mới, người sản xuất nên áp dụng, chọn trồng những giống đủ đủ có năng suất cao, phẩm chất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xin giới thiệu kỹ thuật trồng đu đủ hồng phi 786 bằng phương pháp dùng bạt phủ:
I. Đặc tính của giống Hồng Phi 786:
Cây phát triển rất khỏe, cây có trái sớm, cây có trái đầu tiên lúc cây cao khoảng 80cm. Tỷ lệ đậu trái cao, một mùa 1 cây có thể đậu 30 trái trở lên, sản lượng rất cao. Trái lớn, trọng lượng trái từ 1,5Kg – 2Kg, (có thể đạt 3 kg/ trái). Cây cái ra trái hình bầu dục, cây lưỡng tính cho trái dài. Da nhẵn bóng, thịt dày màu đỏ tươi.
Thời vụ gieo trồng:
– Miền Bắc: vụ Xuân trồng vào tháng 2 – 4 hoặc vụ Thu cuối mùa mưa (Tháng 9 – 10).
– Miền Nam: trồng vào đầu mùa mưa (Tháng 4 – 5). Những vùng chủ động tưới tiêu trồng vào cuối mùa mưa (Tháng 10 – 11 ).
– Miền Trung: vụ Xuân trồng vào Tháng 12- 1, vụ Hè Thu trồng tháng 5-6.
II. Gieo hạt ươm cây :
1. Vườn ươm :
Hạt đu đủ có thể gieo trong bầu đất, trên luống hoặc trực tiếp vào các ụ đất đã được chuẩn bị để trồng. (Gieo trong bầu đất: Bầu đất có kích thước 12cm x 15cm. Đất + phân chuồng hoai mục trộn đều theo tỉ lệ 2 : 1).
Gieo trên luống: Đất làm kỹ cần 5-10kg phân hữu cơ hoai mục, 0,1-0,15 kg Supe lân, 0,3 –0,5 kg vôi rải đều, trộn lại trên 1m2
2. Gieo hạt :
Chọn hạt giống tốt. Ngâm trong nước 4 – 5 giờ vớt ra, ủ trong nhiệt độ 30 – 320C từ 4–5 ngày thì nứt mầm. Chọn những hạt nảy mầm gieo vào bầu đất, sâu 0,5–1cm. Gieo trên luống từ 7–10 ngày hột nảy mầm, khi cây được 5–7 lá (30 –50 ngày) thì có thể trồng.
3. Chọn đất :
Chọn đất ở vùng cao, thoát nước tốt, hoặc vùng đất đồi, nếu trồng ở vùng đồng bằng phải lên luống thật cao và đường mương thoát nước phải sâu. Đất giàu chất hữu cơ là lý tưởng nhất. Độ pH thích hợp từ 6 – 6,5
4. Làm đất, trồng :
* Mật độ, khoảng cách:
– Hàng x hàng: 2-2,5m; cây x cây: 2m; Mật độ: 2.000-2.100 cây/ha.
– Lượng giống cần cho 500 m2 : 2 – 2,5 gói (1 gram/gói, ~ 65 hạt/gói)
– Đất cày sâu lên luống cao, mặt luống rộng 1m, cao 0,4 – 0,5m, cây cách cây khoảng 2m, căn cứ vào khoảng cách để đào lỗ, bón phân lót rồi trộn đều với đất và đắp bằng. Cây đu đủ trước khi xuống giống 1 ngày phải tưới nước đầy đủ, lấy cây trong bầu ra rồi trồng xuống đất ngay thẳng, mỗi hốc trồng 1 cây, sau đó tưới nước. Đối với mặt luống dùng màng phủ nông nghiệp thì hố đào vừa túi bầu (khoảng 15 x 20 cm)
Mỗi hố cần: 5kg phân chuồng; 300g NPK (15-9-17+TE), 300g Supe lân, 250g bao hạt vàng, 200g vôi.
* Lượng phân bón lót/100 cây (khoảng 500 m2):
Phân chuồng: 500 kg; NPK (15-9-17 +TE): 30 kg; Supe lân: 30 kg; 25 kg bao hạt vàng; vôi: 20 kg
* Kỹ thuật trồng: Lấp đất phủ qua phần cổ rễ, nén chặt xung quanh. Tưới nước, giữ ẩm.
III. Chăm sóc
1. Cắm cây cọc: Thông thường đu đủ đều trồng thẳng, khi gặp gió bão phải cắm cọc chống gió, dùng 3 cây cọc cắm chéo hoặc 1 cây cọc cắm thẳng và cột chắc cây đu đủ vào cọc. Vào thời kỳ cây đậu trái nhiều mà gặp gió bão có thể chặt bớt một số lá già gần gốc, để giảm bớt sức cản gió, chống đổ ngã hoặc gãy.
2. Tỉa cành và hái trái: Sau khi xuống giống, nếu trên thân chính mọc ra nhánh con phải ngắt bỏ sớm. Vào thời kỳ đậu trái phải hái bỏ kịp thời những trái bị méo, bị sâu bệnh, những lá già héo chết phải ngắt bỏ luôn cuống lá.
3. Bón phân thúc: Cây đu đủ ra hoa đậu trái quanh năm, cần bón bổ sung phân cho cây để cây có thể đậu trái liên tục.
Sau đây là lượng phân bón dùng cho cây 1 năm: 0,4 – 0,5 kg urê + 0,5 – 1 kg supe lân + 0,2 – 0,3 kg kali sulfat (hoặc kali clorua) + 0,2 – 0,4 Canxinit hoặc Nitra bo.
Cách bón:
– Lần 1: Sau trồng 1,5-2 tháng, bón 1/3 đạm + 1/3 lân.
– Lần 2: khi cây ra hoa, bón 1/3 đạm + 1/3 lân + 1/2 kali + 1/2 Canxinit hoặc Nitra bo.
– Lần 3: Khi thu quả lứa đầu (sau trồng 6-7 tháng) bón hết đạm, lân, kali , Canxinit hoặc Nitra bo còn lại.
Cây 2 năm: Phân chuồng 5 – 10 kg + 0,3 – 0,4 kg urê + 0,5 – 1 kg supe lân + 0,3-0,4 kg kali sulfat (hoặc kali clorua).
Có thể qui ra phân NPK (15-9-17) +TE chuyên dùng cho rau ăn quả của C.ty phân bón Năm Sao) để bón thúc cho đu đủ.
Ghi chú: Ở những vùng đất thiếu Borax, cứ 100 cây đu đủ bón 0,25 – 0,5kg Borax.
4. Phòng trừ sâu bệnh:
a) Bệnh khảm: do côn trùng chích hút truyền nhiễm: nhện đỏ, rệp…
Mặt luống trồng phủ màng phủ nông nghiệp có thể hạn chế rệp.
Chăm sóc quản lý để cây đu đủ phát triển khỏe và nhanh, tăng cường sức kháng bệnh.
Vệ sinh vườn, phun các loại thuốc trừ côn trùng môi giới gây bệnh. Bệnh nặng phải hủy bỏ cây.
b) Nhện đỏ: Phun thuốc Ortus, Silsau, comite, Danitol, Kelthane…
c) Rệp, rầy: Vệ sinh vườn, phun các loại thuốc: Supracide, Regent, …
5. Thu hoạch: khi quả đã có vệt vàng trên vỏ quả (sau khoảng 2-3 tháng sau khi ra hoa) thì thu hoạch.