Kỹ Thuật Trồng Măng Cụt
I. Chọn và nhân giống:
1. Chọn giống trồng: Hiện nay cây măng cụt chỉ có một giống. Tuy nhiên, vẫn có những cá thể có biểu hiện một số đặc tính tốt hơn trong quần thể cây trồng. Vì vậy, hiện nay khi nhân giống nên chọn những trái từ các cây măng cụt cho trái tốt.
2. Phương pháp nhân giống: Cây măng cụt có thể được nhân giống theo ba cách: gieo từ hạt, dùng phương pháp ghép ngọn hoặc tháp cành.
a. Trồng bằng hạt: Chọn trái to trên những cây cho trái tốt (nặng hơn 80g), từ trái này ta tiến hành chọn hạt to (trọng lượng hạt từ 1g trở lên) vì hạt lớn tỷ lệ nảy mầm thường cao và số cây con lên từ các hạt có kích thước lớn tỷ lệ sống cao, tăng trưởng nhanh hơn từ hạt có kích thước nhỏ. Hạt đã chọn được ngâm vào nước để rửa sạch phần thịt và xơ bám, hạt được gieo thẳng trên líp ươm hoặc gieo trong bầu có chứa đất, tro trấu hoặc mụn xơ dừa, líp ươm hoặc bầu ươm phải được che mát và tưới nước thường xuyên. Hạt sẽ nầy mầm sau 20-30 ngày ươm, khi ươm nên xử lý nền ươm bằng các loại thuốc trừ kiến để tránh trường hợp kiến ăn hạt. Sức phát triển chồi tùy vào lượng chất dự trữ trong hạt.
Cây con nếu gieo trên líp thì nên cấy sớm vào bầu khi được 2 lá. Khi đôi lá đầu tiên già thì nhẹ nhàng đưa cây ra khỏi môi trường ươm trên líp, khi nhổ cây con ươm trên líp nhớ chú ý đừng cho gãy tách hạt ra khỏi cây con vì giai đọan nầy cây sống nhờ dinh dưỡng của hạt và cấy vào bầu ươm ( với kích thước bầu là 12x15cm). Cấy trễ lúc cây đã có nhiều lá sẽ dễ làm rễ cây tổn thương. Đến khi cây được một năm tuổi phải chuyển sang bầu lớn hơn (kích thước bầu nên là 17-25cmx40-45cm) để rễ măng cụt phát triển thuận lợi trong năm kế tiếp. Nên chọn vật liệu vô bầu thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng, có thể dùng hỗn hợp như mụn xơ dừa; phân chuồng hoai; đất đập nhỏ theo tỷ lệ 3:1:1. Phải tưới nước đầy đủ, che bóng cho cây và tưới nhẹ phân NPK (15:15:15) 2 tháng một lần kết hợp với việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh để cây phát triển tốt.
b. Ghép ngọn, tháp cành: Phương pháp ghép ngọn, tháp cành đã rút ngắn thời gian cho trái cây măng cụt (3-4 năm tuổi). Tuy nhiên, cây ghép có tỷ lệ chết sau khi trồng cao hơn, số trái và trọng lượng trái thấp hơn. Do đó phương pháp nhân giống chủ yếu và phổ biến hiện nay trong sản xuất đối với măng cụt vẫn là gieo từ hạt. Tiêu chuẩn cây giống tốt: (đây là tiêu chuẩn do Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành). Cây giống phải đúng giống với yêu cầu về hình thái cây giống như sau:
– Cổ rễ thẳng. Vỏ cây không bị tổn thương đến phần gỗ.
– Đường kính thân cây (đo tại nơi cách mặt đất bầu ươm 2cm) chiều cao phải đạt từ 0,6cm trở lên.
– Bộ rễ phát triển tốt, có nhiều rễ thứ cấp. Rễ cọc không cong vẹo.
– Số lá: có 12 cặp lá trở lên.
– Các lá ngọn đã trưởng thành, xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống.
– Chiều cao cây giống (đo từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) là 70 cm trở lên.
– Cây giống phải đang sinh trưởng khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh, đặc biệt là không mang triệu chứng chảy nhựa vàng trên thân.
– Tuổi cây giống: Phải trên 2 năm từ khi gieo hạt.
II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
1. Đất trồng: Cây măng cụt trồng tốt ở vùng đất thịt, sét giàu hữu cơ tầng canh tác dày, thoát nước tốt, gần nguồn nước tưới, không bị nhiễm mặn.
2. Thời vụ trồng: Cây măng cụt có thế trồng được quanh năm, nhưng thường được trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới cho vườn cây.
A. Chuẩn bị vườn:
1. Đào mương lên líp: Ở những vùng thấp như Đồng bằng sông Cửu Long thì cần đào mương lên líp để tăng độ dày tầng canh tác, có hệ thống mương thông nhau để thoát nước, rửa phèn và cung cấp nước cho vườn khi cần thiết. Độ sâu và rộng của mương, líp là tùy thuộc vào điều kiện riêng của từng vườn, thông thường mương rộng 1,5-2m, sâu 1-1,2m; líp rộng 5-6 m (nếu trồng hàng đơn) và 7-8m (nếu trồng hàng đôi)
2. Đắp đê bao: Cần có hệ thống đê bao quanh cho từng vườn hoặc đê bao cho cả vùng có điều kiện tương tự nhau để bảo vệ vườn cây vào mùa mưa lũ, có hệ thống tiêu thoát nước khi cần thiết.
3. Trồng cây chắn gió: Chọn các loại cây trồng có độ cao hợp lý, chắc gốc, khó đổ ngã trồng quanh vườn để làm cây chắn gió cho vườn cây măng cụt vì gió có thể làm gãy nhánh, hại lá và trái măng cụt.
4. Khoảng cách trồng: Măng cụt là cây có tuổi thọ cao thân gỗ to nên cần trồng với khoảng cách xa nhau để vườn được thông thoáng, ít sâu bệnh. Có thể trồng với các khoảng cách như sau: Trồng với khoảng cách 10 x 7m/cây; Trồng với khoảng cách 8-9 x 6-7 m/cây; Trồng với khoảng cách 7 x 7m/cây. Nếu trồng dày thì phải đảm bảo tán cây không được giao nhau bằng cách tỉa cành tạo tán cho cây thường xuyên sau mỗi vụ thu hoạch.
5. Trồng xen: Do cây măng cụt sinh trưởng chậm lâu cho trái và trồng với khoảng cách khá xa nhau nên trong những năm đầu để tận dụng diện tích đất và có thêm nguồn thu nhập có thể trồng một số cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả sinh trưởng nhanh (như chuối, mận, ổi, cam…) làm cây trồng xen trong vườn măng cụt. Ngoài ra có thể trồng cây măng cụt xen trong vườn dừa nhưng không nên trồng quá dày mà phải đảm bảo đúng khoảng cách thì mới đạt hiệu quả kinh tế cao.
B. Kỹ thuật trồng và chăm sóc:
1. Chuẩn bị hố trồng và cách trồng: Hố được đào theo hình vuông với kích thước mỗi cạnh 60x60cm và sâu khoảng 60cm, trước khi trồng nên bón lót cho mỗi hố 0,5-1kg vôi, 100-200g phân NPK (16:16:8 hoặc 20:20:15), 10-20kg phân chuồng hoai và 10-20g thuốc sát trùng Regent. Nên đặt cây trên mô đất cao hơn mặt đất tự nhiên khoảng 10-20cm để hạn chế hiện tượng ngập úng giả tạo, cây con khi trồng nên đạt được 2 năm tuổi trở lên, cây có 1-2 cặp cành cấp 1 mới đưa ra vườn trồng. Đặt cây con cần thận trọng để bầu cây không bị bể, rễ không bị ảnh hưởng, lấp đất ngang mặt bầu, nên dùng ống nhựa bọc phần gốc nơi tiếp giáp mặt đất lên khoảng 20cm để tránh trường hợp cây măng bị chết do còng ăn hết phần vỏ ở gốc. Cắm cọc giữ cho cây khỏi đổ ngã, che bóng và tưới nước cho cây ngay sau khi trồng.
2. Che bóng khi cây còn nhỏ: Cây măng cụt là cây ưa bóng, cây con khó sống ngoài trảng nên cần được che mát trong 4-5 năm đầu vì ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp có thể làm cây chậm phát triển. Có thể che bằng tàu lá dừa, lưới che sáng, tre đang, giàn che phủ lá chuối hay rơm rạ hoặc trồng xen cây che bóng tạm thời như cây chuối để hạn chế 50-60% ánh sáng mặt trời ảnh hưởng trực tiếp đến cây nhất là trong hai năm đầu sau khi trồng ra vườn. Trồng chuối cách gốc măng cụt 1-2m về 4 hướng hoặc chỉ trồng ở hai hướng Đông và Tây.
3. Tủ gốc giữ ẩm: Ngay sau khi trồng nên dùng rơm rạ hoặc cỏ khô phủ mô trồng quanh cây một lớp dày khoảng 5-10cm và cách xa gốc khoảng 10-20cm, trong mùa khô để giảm sự bốc thoát hơi nước.
4. Bồi bùn lên líp: Hàng năm, vào mùa nắng cần vét bùn ở mương lên bồi líp nhằm nâng cao mặt líp và cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây. Nhưng chỉ bồi một lớp bùn mỏng khoảng 3-4cm .
5. Tưới nước: Măng cụt là cây có nhu cầu nước rất lớn đồng thời do hệ thống rễ cây không có lông hút và phát triển kém nên rễ măng cụt khi tiếp xúc với đất khó hút nước vì vậy cần tưới nước thường xuyên, nhất là trong giai đoạn cây con và cây đang mang trái.
a. Giai đoạn cây con: Phải tưới đầy đủ nước nhất là trong những tháng mùa khô để giúp cây mạnh khoẻ, nhanh phát triển. Tuy nhiên nếu cây con bị ngập úng sẽ chết nên cần chú ý thoát nước tốt cho vườn cây.
b. Giai đoạn cây ra hoa và mang trái: Cần tưới nước cách ngày cho cây nhất là lúc sau khi cây trổ hoa, đậu trái giúp hoa phát triển tốt, đậu trái nhiều và trái nhanh phát triển. Trong giai đọan cây mang trái nên chú ý tưới đều vừa đủ ẩm tránh trường hợp vườn quá khô lại quá ướt bất thường sẽ đưa đến hiện tượng rụng trái non, với một số kinh nghiệm của nhà vườn khi trái măng cụt hết giai đọan phát triển trái thì ngưng tưới nước, giảm mực thủy cấp trong mương và kết hợp với việc đậy gốc khi có mưa nhiều sẽ giảm đi hiện tượng mủ trái và sượng trái măng cụt .
6. Trừ cỏ dại: Trong những năm đầu khi cây chưa khép tán, cỏ dại sẽ phát triển mạnh, nên diệt cỏ bằng phương pháp thủ công hoặc dùng máy cắt cỏ.
7. Tỉa cành tạo tán: Tỉa cành tạo tán cho cây măng cụt phải được chú ý thực hiện sớm và thường xuyên để có được tán cây cân đối và cây cho năng suất cao sau nầy. Khi cây còn nhỏ, cần tỉa bỏ các cành mọc dày đặc, cành vượt mọc đứng trong thân, cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh, chỉ giữ lại các cành mọc ngang, cành khoẻ mạnh để tạo cho cây có tán thông thoáng và cân đối. Khi cây đã cho trái, sau khi thu họach xong phải tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, cành già không còn khả năng cho trái, cành vô hiệu nằm trong tán cây. Đặc biệt phải thu tán cây không cho tán giao nhau bằng cách tỉa ngắn lại những cành ở mặt ngoài tán tùy vào điều kiện thực tế bà con có thể cắt ngắn hay dài làm sao cho tán cây tròn đều, không lồi lõm, không có các cành bị che khuất để đảm bảo cho sự phát triển của trái. Công việc tỉa cành tạo tán cần phải tiến hành ngay sau đợt bón phân lần thứ nhất và phải thực hiện xong trong thời gian một tuần để giúp cây có đủ dinh dưỡng ra chồi khỏe và đồng loạt.
8. Treo cành: Cây măng cụt có cành to nhưng lại rất giòn và dễ gãy, khi cây măng cụt mang trái nhánh thường có hiện tượng quằn xuống thỉnh thỏang thấy phần nhánh phía trên bị bung vỏ qua nhiều vụ nhánh bị gãy hoặc bị khô đi, do đó ở cây có cành phát triển tốt cần phải dùng dây nylon chắc để kéo cành lên, nhằm tránh gãy nhánh hư cành bằng cách cột một đầu dây vào cành và đầu còn lại cột vào thân cây chính. Việc treo cành là cần thiết nhất là trong mùa mưa bão trong giai đọan cây mang trái và trong vụ thu hoạch.
9. Bón phân: Cây măng cụt cho trái cách năm rất thường xảy ra, chủ yếu là do việc bón phân cho cây hầu như chưa được quan tâm. Quy trình bón phân để người trồng tham khảo như sau:
a. Giai đoạn cây con: Bón 5-10kg phân chuồng/cây/năm. Phân vô cơ ở giai đọan chưa cho trái có thể bón phân N:P:K 16-16-8 hoặc N:P:K 20-20-15.
Tuổi cây (năm) | Liềulượng | Số lần bón (lần/năm) |
1 | 0.5 | 2-4 |
2 | 1 | 2-4 |
3 | 1.5 | 2-4 |
4 | 2 | 2-4 |
b. Giai đoạn cây cho trái:
– Lần 1: Ngay sau khi thu hoạch xong cần tỉa cành, tạo tán bón 20-30kg phân chuồng hoai cho mỗi cây kết hợp với phân phân vô cơ có hàm lượng đạm cao để giúp cây nhanh ra đọt mới. Bón phân chuyên dùng cho cây ăn trái AT1. Cũng có thể bón phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ theo công thức như sau N:P:K 16-16-8 hoặc N:P:K 20:20:10.
– Lần 2: Trước khi cây ra hoa 30-40 ngày, giai đoạn này nên sử dụng phân vô cơ có hàm lượng lân và kali cao. Tránh bón nhiều phân đạm sẽ làm cho cây ra lá giảm sự ra hoa. Bón phân chuyên dùng cây ăn trái AT2 hoặc N:P:K 8-24-24
– Lần 3: Sau khi đậu trái lúc trái khoảng 2cm, bón phân có hàm lượng kali cao, bón phân với công thức N:P:K 13-13-21 hoặc AT3. Liều lượng phân:
+ Cây măng cụt có từ 10-15 năn tuổi có thể bón 0.5-1kg phân vô cơ/lần/cây.
+ Cây măng cụt lớn hơn 15-20 tuổi có thể bón 1-2kg phân vô cơ/lần /cây.
+ Cây măng cụt có tuổi lớn hơn 20-30 năm có thể bón 2-3 kg phân vô cơ/lần/cây.
+ Cây măng cụt có tuổi lớn hơn 30 trở lên có thể bón từ 3-4 kg phân vô cơ/lần/cây.
Tuy nhiên việc bón phân cho cây măng cụt về số lượng và công thức bón cũng có thể tăng giảm hoặc thay đổi tùy thuộc vào điều kiện đất trồng, đường kính tán, năng suất thu họach vụ trước và tình hình sinh trưởng của cây. Ngoài ra để góp phần nâng cao năng suất, phẩm chất trái còn có thể phun phân bón lá Growmore ( 20:20:20) 10g/8lít nước phun làm 3 lần mỗi lần cách nhau 1 tuần và bắt đầu phun vào 2 tuần sau khi đậu trái và cũng có ý kiến của nông dân cho rằng trong giai đọan trái phát triển cần bón thêm Ca(NO3)2 hoặc bón vôi Dolomite 2Kg/cây sẽ tăng được phẩm chất trái.
c. Cách bón phân: Đại đa số nhà vườn xới xung quanh gốc bón theo tán cây vì vậy việc bón phân cho cây măng cụt chưa phát huy hết hiệu quả khi sử dụng phân bón. Cây măng cụt do đặc tính bộ rễ phát triển kém so với các loại cây trồng khác vì vậy hiệu quả nhất nên giới hạn bón phân ở 2/3 hình chiếu tán tính từ gốc trở ra. Tốt nhất nên đào rãnh chung xung gốc ở 2/3 tán, sâu 15-20cm rộng từ 20-30cm bón phân vào rãnh, lấp đất lại hoặc cũng có thể xới xung quanh cách gốc khoảng 40-50cm đến 2/3 tán cây bón phân vào và tưới nước đầy đủ sau khi bón .