Mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa BT09 tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là một mảng màu sáng trong bức tranh sản xuất lúa ẩn chứa nhiều vệt xám tại “lòng chảo” Điện Biên.
Tham quan mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa BT09 tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên
“Miễn dịch” với rét, kháng sâu bệnh tốt
Mỗi lần gặp mặt, tôi lại nghe ông Hoàng Ngọc Quân, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Điện Biên, trĩu nặng ưu tư. Bởi hơn 15 năm gần như đứng ở thế độc tôn trên đồng đất Mường Thanh, đến nay giống lúa Bắc thơm 7 (BT7) đã bộc lộ 3 điểm yếu cốt tử: Nhiễm bạc lá, rầy hoành hành vào vụ mùa và năng suất thấp do bị thoái hoá. Những thửa ruộng nối tiếp nhau trồng BT7 bị khô héo, đổ nghiêng ngả xiêu vẹo, thân, lá gầy gộc, bạc trắng do sâu bệnh hại hoành hành.
Từ thực trạng trên, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ & Khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc và chính quyền địa phương xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao BT09 (thuộc dự án Khuyến nông TW: Xây dựng mô hình thâm canh tổng hợp nhằm tăng năng suất, hiệu quả trong sản xuất lúa ở các tỉnh miền núi phía Bắc”).
Theo ông Phạm Văn Dân, PGĐ Trung tâm Chuyển giao Công nghệ & Khuyến nông, mục đích của việc xây dựng mô hình là chuyển giao tiến bộ KHKT mới trong SX và thâm canh lúa, giúp bà con nắm bắt được gói quy trình kỹ thuật và ứng dụng vào thực tiễn; giới thiệu và nhân rộng diện tích ra toàn tỉnh giống lúa BT09, giống lúa có nhiều tính ưu việt, phù hợp với điều kiện canh tác tại Điện Biên…
Mặc dù được đông đảo nông dân và các đại biểu đánh giá cao, ông Phạm Văn Dân, PGĐ Trung tâm Chuyển giao Công nghệ & Khuyến nông (đại diện đơn vị tác giả giống BT09) cũng lưu ý điểm yếu của giống BT09 đó là hơi yếu cây. Bởi vậy, cần bón phân cân đối tỷ lệ N:P:K, giảm lượng phân đạm so với sản xuất thông thường (bón khoảng 8 – 10 kg đạm/sào) và 5 – 7 kg kali để tăng độ cứng cây, nâng cao chất lượng gạo…
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng SX giống lúa BT09 quy mô 20ha ngả sắc vàng ruộm, bông trĩu hạt, bà Trần Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ Đội 5, xã Thanh Hưng giới thiệu: “Mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa BT09 được triển khai thực hiện vào vụ xuân 2016, 150 hộ dân tham gia đã được hỗ trợ 100% giống, 50% phân bón và thuốc BVTV (nếu cần). Nhờ có cán bộ kỹ thuật trực tiếp tập huấn, cầm tay chỉ việc và áp dụng các kỹ thuật canh tá lúa SRI, ICM và IPM đã được bà con thực hành nhuần nhuyễn”.
Còn nhớ trận rét kỷ lục vào giữa tháng 1 hồi đầu năm, nhiệt độ xuống dưới 3 độ C, lạnh buốt thấu xương. Thời điểm ấy bà con vừa gieo sạ được 2 – 3 ngày, mạ non không thể chống cự được với thiên nhiên. Cả huyện Điện Biên thống kê được hơn 2.600ha lúa chết, riêng xã Thanh Hưng là 200ha (khoảng 75% diện tích gieo cấy giống BT7 bị chết rét).
Chẳng ai ngờ được rằng, thứ giống lúa “ngoại lai” vừa mới bén rễ lần đầu tại đồng đất Thanh Hưng lại có khả năng “miễn dịch” với rét mạnh mẽ đến thế. Những ngày nhiệt độ xuống thấp, chúng chỉ tạm ngừng phát triển, diện tích bị chết không đáng kể (dưới 12%) và khi tiết trời ấm dần, chúng lớn dậy thần kỳ nổi bật giữa “lòng chảo”. Thế nên, dân bản địa ví đây là “mô hình canh tá lúa… không âu lo”.
Trong mô hình này, giống được coi là một trong những yếu tố tạo nên thành công lớn nhất. Bởi ngoài khả năng chịu rét, BT09 còn kháng được một số bệnh hại nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Văn Giang, cán bộ kỹ thuật Viện KHKT Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, hiện tượng nhiệt độ tăng, mưa nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh và phá hại. Diện tích gieo cấy giống BT7 ngoài mô hình nhiễm khô vằn và bạc lá khá nặng (điểm 3 – 5), nhiều ruộng gần như mất trắng, tuy nhiên mô hình BT09 không nhiễm hoặc nhiễm nhẹ; bóng dáng của bệnh đạo ôn, khô vằn và rầy, sâu đục thân dường như không có.
Đánh giá tổng quát cũng cho thấy, chỉ tiêu sinh trưởng và năng suất của giống BT09 vượt trội hơn hẳn giống BT7. Cụ thể, mật độ bông/m2 của BT09 (315 bông) cao hơn BT7 (270 bông) là 45 bông. Hạt chắc/bông nhiều hơn trung bình khoảng 21 hạt và tỷ lệ lép thấp hơn 2,6%. Bởi vậy, dự kiến năng suất thực thu của BT09 đạt khoảng 7,5 tấn, vượt khoảng 12 – 17% so với BT7. Theo hạch toán kinh tế, hiệu quả mô hình thâm canh giống BT09 đem lại cho bà con là khá lớn, đạt 50,2 triệu đồng/ha.
Hiệu quả cao
Trước khi đưa vào đồng đất xã Thanh Hưng, giống lúa BT09 đã được SX thử tại hai địa điểm khác trong huyện Điện Biên là xã Thanh Xương và Noong Hẹt. Bởi vậy, ông Hoàng Ngọc Quân, Chi cục trưởng Chi cục BTVT Điện Biên, không hề xa lạ và tự tin nhận xét: “Những địa phương muốn đẩy mạnh năng suất cao hơn và chất lượng tương đương BT7 thì nên đưa BT09 vào cơ cấu giống. Bởi, có những điểm sản xuất, năng suất thực thu của giống BT09 đạt 8 tấn/ha. Chất lượng gạo cũng tương đương BT7, cơm khá thơm, dẻo và vị đậm”.
Theo ông Nguyễn Đình Kỳ, PGĐ Sở NN-PTNT Điện Biên: “Mô hình thâm canh tổng hợp giống lúa thơm BT09 giải quyết được 3 vấn đề mà SX lúa tại Điện Biên đang vướng mắc.
Thứ nhất, BT09 có thời gian sinh trưởng ngắn hơn BT7 khoảng 10 ngày, khả năng chịu rét tốt, thích nghi với điều kiện vụ xuân tại Điện Biên.
Thứ hai, BT09 có các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất thực thu vượt trội hơn BT7 tại địa phương. Có thể thay thế trong cơ cấu giống của địa phương.
Thứ ba, BT09 có khả năng chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt bệnh bạc lá đang hoành hành trên khắp các cánh đồng của tỉnh.