Bệnh đỏ thân thường xảy ra ở các loài tôm hùm Bông (hay hùm Sao), tôm hùm Đá (tôm Xanh, tôm Ghì), tôm hùm Đỏ (hùm Lửa) và tôm hùm Tre, xảy ra nhiều từ tháng 2-8 hàng năm, có khả năng gây chết tôm hùm nuôi từ rải rác đến hàng loạt, tỷ lệ chết tích lũy có thể lên đến 80-90%.
Phòng và trị bệnh đỏ thân ở tôm hùm nuôi lồng Ảnh minh họa
Bệnh đỏ thân bắt gặp ở mọi kích cỡ tôm nuôi, cả tôm thương phẩm và tôm con, nhưng thường xảy ra ở giai đoạn tôm con. Tôm bệnh có hiện tượng đỏ vùng giáp đầu ngực hay vùng bụng, sau đó màu đỏ lan dần ra toàn bộ cơ thể tôm, mô gan tụy bị hoại tử, các khớp đôi chân bò rời ra, đôi râu xúc tu 2 dễ gãy, mặt bụng tôm tím bầm, tôm yếu dần, bỏ ăn và chết. Khi lặn xuống lồng nuôi quan sát, thấy tôm hoạt động không được nhanh nhẹn. Bệnh đỏ thân ở tôm hùm nuôi lồng có thể là sản phẩm tổng hợp của nhiều nhân tố gây bệnh tác động vào tôm nuôi, trong đó, vi khuẩn nhóm Vibrio, đặc biệt là vi khuẩn Vibrio alginolyticus, có thể là một trong những tác nhân gây ra bệnh này ở tôm hùm.
Để phòng bệnh, người nuôi cần vệ sinh lồng, bè và sát trùng thức ăn bằng thuốc tím để giảm mật độ vi khuẩn, loại bỏ thức ăn dư thừa ra khỏi lồng nuôi, lựa chọn nơi đặt lồng đảm bảo có dòng chảy nhẹ khi triều lên, dòng chảy tầng đáy có lưu tốc 1-2cm/giây để tăng trao đổi nước, tránh các sây sát do tác động cơ học (vận chuyển, đánh bắt, thao tác phân cỡ, chuyển lồng…) và phòng tránh ký sinh trùng gây hại. Bên cạnh đó, người nuôi cần treo túi vôi quanh lồng nuôi trong thời gian thường xuất hiện bệnh (tháng 2-8 hàng năm).
Khi tôm hùm nuôi bị nhiễm bệnh, việc sử dụng hóa chất, kháng sinh đúng nồng độ, đúng thời điểm sẽ có hiệu quả nhất định trong điều trị bệnh. Người nuôi có thể sử dụng Doxycycline (loại Doxycycline base 10% dùng trong thú y) trộn hay tiêm vào thức ăn với lượng 3-7g/kg thức ăn tùy vào kích cỡ tôm nuôi, cần cho ăn liên tục 5-7 ngày để điều trị bệnh. Có thể dùng phác đồ điều trị bệnh sau:
– Ngày thứ nhất đến ngày thứ 3: đưa thuốc vào thức ăn qua đường tiêm. Thuốc và liều lượng cần dùng cho 1kg thức ăn (cá mồi) như sau: Kháng sinh Doxycycline base 10% dùng 7gam (khoảng 2 muỗng cà phê); dung dịch pha loãng dùng 50ml nước muối sinh lý (nước cất) hoặc 50ml nước khoáng thiên nhiên đóng chai (hay nước uống tinh khiết đóng chai); khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính: mutagen (dạng gói 500g) dùng 7gam (2 muỗng cà phê) hoặc các khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính dùng cho giáp xác khác (tôm sú) có bán trên thị trường như dầu gan mực (bình 2 lít), dùng 10ml (khoảng 3 muỗng cà phê); Minerex, Grow shrimp, V-mix, QM-Binder,… dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi đưa thuốc vào thức ăn theo trình tự sau: thức ăn (cá liệt, cá cơm, cá sơn…) rửa sạch, để ráo; hòa tan thuốc kháng sinh vào nước muối sinh lý (hay nước cất/nước khoáng/nước tinh khiết) với liều lượng như trên, khuấy đều cho thuốc tan hết. Dùng xi-lanh hút dung dịch thuốc tiêm vào cơ thịt của cá mồi (tiêm nhiều vị trí khác nhau dọc 2 bên vây lưng của cá). Sau khi tiêm thuốc vào cá, cắt cá cho phù hợp cỡ mồi; trộn đều khoáng chất và vitamin tổng hợp vào thức ăn với liều như trên, để 30 phút. Bổ sung dầu mực (hay các chất kết dính: QM-Binder, Feed coat), trộn đều trước khi cho tôm ăn. Lưu ý cũng có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn để cho tôm ăn, cách trộn như khoáng chất và vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, cách làm này cho hiệu quả điều trị bệnh thấp hơn cách đưa thuốc vào thức ăn qua đường tiêm. Về cách cho tôm ăn, người nuôi cho tôm ăn cá mồi có thuốc mỗi ngày một lần vào chiều tối.
– Ngày thứ 4 đến ngày thứ 7: tương tự như ngày thứ nhất đến ngày thứ 3 nhưng liều lượng thuốc kháng sinh giảm đi một nửa.
– Ngày thứ 7: kiểm tra tôm trong lồng nuôi, nếu thấy tôm còn bệnh, lặp lại việc cho tôm ăn thức ăn có thuốc như từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6. Nếu thấy tôm khỏi bệnh thì từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14 tiếp tục cho tôm ăn theo phác đồ điều trị bệnh như sau: trộn/tiêm thuốc bổ, men vi sinh vào thức ăn tôm. Thuốc và liều lượng dùng cho 1kg thức ăn như sau: men vi sinh để cải thiện vi sinh vật đường tiêu hóa: Probestim dùng 5gam; hoặc Combax, Effinol, Probai; P-zyme-mos, QM-Probiotic,… đưa vào trong thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khoáng chất, vitamin tổng hợp và chất kết dính (Mutagen, Minerex, Grow shrimp, V-mix, QM-Binder, Profisd, Feed coat…) trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; hoặc dầu gan mực dùng 10ml (khoảng 3 muỗng cà phê). Các đưa thuốc vào thức ăn (cá mồi) theo trình tự sau: thức ăn (cá mồi) rửa sạch, cắt miếng nhỏ, để ráo nước; trộn/tiêm hỗn hợp men vi sinh/khoáng chất và vitamin vào thức ăn (để trong 30 phút nếu dùng phương pháp trộn), bọc chất kết dính để giảm hao hụt thuốc do thất thoát ra ngoài môi trường. Về cách cho tôm ăn, người nuôi cho tôm ăn cá mồi có thuốc mỗi ngày một lần vào chiều tối.
Lưu ý, dùng thuốc trộn hay tiêm vào loại thức ăn tươi như cá, cua, ghẹ…, sau đó ngâm thuốc (đối với phương pháp trộn thuốc vào thức ăn) trong một khoảng thời gian nhất định, thường 30-60 phút trước khi đem cho tôm ăn theo các liều lượng nhất định. Đồng thời, nên trộn/tiêm thuốc vào lượng thức ăn ít hơn khẩu phần ăn bình thường để tôm nhanh chóng ăn hết thức ăn có thuốc. Nên trộn thức ăn khi đã ngấm thuốc với một số vật liệu ít tan trong nước như dầu mực, dầu đậu nành, các chất kết dính… để tránh hao hụt thuốc do thất thoát ra ngoài môi trường. Bên cạnh đó, người nuôi cần phát hiện bệnh ở thời kỳ sớm để dùng thuốc, khi nhiều tôm trong lồng, bè nuôi còn bắt mồi thì mới có thể đưa thuốc vào cơ thể tôm theo đường tiêm, trộn thuốc vào thức ăn. Việc sử dụng thuốc kháng sinh cần phải theo đúng phác đồ điều trị, tránh ngắt quãng và không nên sử dụng các sản phẩm kháng sinh dạng tiêm trực tiếp để đưa vào thức ăn cho tôm ăn; đồng thời cần có sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để tránh hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn. Người nuôi cũng cần lưu ý ngưng dùng thuốc ít nhất 2 tuần trước khi thu hoạch tôm.