Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Phòng Và Trị Bệnh Cho Tôm Hùm

1. Bệnh đen mang:

-Hiện tượng: Mang tôm có những điểm đen, các tơ mang chuyển màu đen, mang thối rữa toàn bộ. Quan sát bằng mắt thường thấy những búi sán lá đơn chủ trắng nhỏ như sợi tóc. Sán lá sẽ đục thủng mang gây hoại tử tế bào. Thân tôm cũng xuất hiện những đốm đen, mắt tôm cũng có thể chuyển sang màu đen. Bệnh xuất hiện ở cả tôm con và tôm trưởng thành.

-Nguyên nhân: Mang tôm bị đen là do sắc tố Melanin phát triển tại các mô của mang bị phá hủy do các tác nhân: Ký sinh trùng sán lá đơn chủ (xuất hiện nhiều sau các cơn mưa), nấm Fusarium, vi khuẩn dạng sợi Vibrio, nồng độ khí độc Amoniac và Sulfur hydro trong môi trường cao.

-Hậu quả: Tôm bỏ ăn, hô hấp kém, nằm dưới đáy lồng và chết hàng loạt.

+ Tắm cho tôm bằng Formol với nồng độ từ 15 – 25ml/m3 nước trong 10 – 15 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 – 7 ngày.

+ Tắm cho tôm bằng Sulfat đồng, nồng độ 0,5gr/m3 nước trong 5 – 7 phút, có sục khí. Thời gian chữa trị từ 5 – 7 ngày. Lưu ý tôm bệnh sau khi xử lý thuốc cần được thả nuôi ở một lồng khác.

+ Treo những túi vải có chứa vôi ở giữa lồng tôm hoặc đặt ở những vùng đáy lồng nuôi bị ô nhiễm. Vôi có tác dụng diệt ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn tốt.

+ Có thể sử dụng một số kháng sinh như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin để phòng trị bệnh bằng cách trộn vào thức ăn với lượng từ 30 – 50mgr/kg thức ăn. Thời gian điều trị từ 5 – 7 ngày.

2. Bệnh đốm trắng trên vỏ:

-Hiện tượng: Trên vỏ tôm và dưới giáp đầu ngực xuất hiện những đốm trắng.

-Nguyên nhân: Cần phân biệt rõ nguyên nhân.

+ Nếu tôm có đốm trắng song vẫn khoẻ mạnh, hoạt động bình thường thì không phải do dịch bệnh. Nguyên nhân là do hàm lượng Canci, Manhê trong nước cao. Đây không phải là hiện tượng bệnh, tôm lột xác các đốm trắng sẽ mất đi.

+ Trường hợp tôm nhiễm nấm, vi khuẩn đặc biệt nhiều ở vùng đáy bị ô nhiễm sẽ gây ra bệnh đốm trắng trên vỏ.

+Hậu quả: Tôm giảm ăn, giảm tăng trưởng, không lột xác được hoặc chu kỳ lột xác kéo dài, tôm chết rải rác.

– Cách phòng trị:

– Tắm cho tôm bằng Sulfat đồng với nồng độ 0,5gr/m3, sục khí trong vòng từ 5 – 7 phút. Thời gian chữa trị từ 5 – 7 ngày.

– Treo túi vải đựng vôi để phòng và trị bệnh.

3. Bệnh đỏ thân:

-Hiện tượng: Mang tôm và thân tôm đều chuyển sang màu hồng. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

-Nguyên nhân: Nước và đáy khu vực lồng, bè nuôi bị ô nhiễm nặng, thức ăn thừa quá nhiều, công tác vệ sinh kém; nhiễm vi khuẩn Vibrio.

-Hậu quả: Tôm bỏ ăn, kém hoạt động, giảm tăng trưởng và chết hàng loạt.

– Cách phòng trị:

+ Vệ sinh lồng, bè nuôi sạch sẽ, tạo môi trường nước thông thoáng, giảm lượng khí độc.

+Tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracyline với nồng độ từ 0,5 – 2gr/m3 nước. Thời gian tắm 15 phút. Thời gian chữa trị từ 5 – 7 ngày.

+Trộn thuốc kháng sinh Oxytetracyline cộng với dầu thực vật vào thức ăn với trọng lượng 50mgr/kg thức ăn. Cho tôm ăn liên tục 5 – 7 ngày.

+Có thể sử dụng kháng sinh mới có độ nhạy cao như Norfloxacin, Nalidixic acid, Ciprofloxacin với lượng 30 – 50mgr/kg thức ăn liên tục trong 5 – 7 ngày.

4. Bệnh trắng râu:

-Hiện tượng: Râu 1 chuyển từ màu nâu sang màu vàng, hồng rồi sang trắng. Bệnh này xuất hiện phổ biến ở giai đoạn tôm con.

-Nguyên nhân: Tôm con bị nhiễm nấm Lagenidium sp, Fusarium sp.

-Hậu quả: Tôm con chết hàng loạt.

-Cách phòng trị:

+Treo túi vôi giữa các lồng nuôi. Vôi có tác dụng diệt nấm tốt.

+ Tắm cho tôm bằng dung dịch Formol với nồng độ từ 15 – 25ml/m3 nước, sục khí trong 15 phút. Thời gian điều trị từ 5 – 7 ngày.

5. Bệnh long đầu:

-Hiện tượng: Phần giáp đầu ngực và phần thân long ra. Trong lớp biểu bì tiết dịch nhầy hôi thối. Bệnh xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành.

-Nguyên nhân: Tôm nhiễm vi khuẩn Vibro sp, Aeromonas.

-Hậu quả: Tôm chết rải rác.

-Cách phòng trị:

+ Tắm cho tôm trong dung dịch Oxytetracylin với nồng độ 0,5 – 2gr/m3. Thời gian tắm 15 phút. Thời gian chữa trị từ 5 – 7 ngày.

+ Trộn thuốc kháng sinh Oxytetracylin và dầu ăn với lượng từ 40 – 50mgr/kg thức ăn. Cho ăn liên tục 5 – 7 ngày.

6. Bệnh to đầu

Xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành. Tôm có hiện tượng là phần giáp đầu ngực tôm rất lớn, khác thường, phần thân và đuôi nhỏ.

7. Bệnh mềm vỏ

Xuất hiện ở tôm trưởng thành. Toàn bộ cơ thể tôm mềm, kéo dài ra như lúc mới lột xác, vỏ tôm không cứng lại được.

8. Bệnh đóng hàu, sụn

Xuất hiện ở tôm trưởng thành. Sụn, hàu bám đầy giáp đầu ngực. Tôm khó lột xác, chết rải rác.

9. Bệnh phồng mang

Xuất hiện ở tôm con và tôm trưởng thành. Mang tôm bị phồng lên, có chất dịch vàng dưới lớp biểu bì nắp mang.

Những bệnh trên tỷ lệ xuất hiện ít, chỉ gây chết tôm rải rác, không gây thiệt hại cho người nuôi nếu biết ngăn ngừa. Bệnh phát sinh do môi trường bị ô nhiễm, tôm suy dinh dưỡng, kém ăn, khó lột xác. Có thể sử dụng vôi để ngừa bệnh, cải tạo môi trường, vệ sinh lồng, bè nuôi, bảo đảm chất lượng và số lượng thức ăn hợp lý cho tôm.

10. Bệnh đầu vàng (Yellow head disease)

Bệnh đầu vàng xuất hiện trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm rảo, tôm rằn và nhiều loại tôm khác tại Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ… Ở Việt Nam, tôm nhiễm bệnh đầu vàng nhiều lúc thời tiết thay đổi lúc giao mùa, ở những vùng nuôi ven biển độ mặn cao.

* Triệu chứng:

– Tôm ăn nhiều khác thường trong vài ngày, rồi bỏ ăn đột ngột. Sau đó 1-2 ngày tôm bơi lờ đờ không định hướng trên mặt nước hoặc ven bờ, bám vào bờ.

– Phần đầu ngực, gan, tụy chuyển màu vàng, gan có thể có màu trắng nhạt, vàng nhạt hoặc nâu

– Thân tôm có màu nhợt nhạt

– Tôm chết rải rác trong vó rồi chết với mức độ tăng dần

– Tôm chết rất nhanh trong vòng 3-5 ngày (có thể chết gần 100%) sau khi xuất hiện các triệu chứng.

* Phương pháp chẩn đoán bệnh:

– Nhận biết triệu chứng bệnh.

– Nhuộm màu mô bào, tế bào máu nhận thấy nhân tế bào bị thoái hóa đông đặc.

– Phân tích PCR.

* Nguyên nhân:

– Bệnh do virus YHV (yellow head virus) là virus có acid nhân RNA chuỗi đơn, hình que, kích thước 44 x 173 nm, thuộc loài Nidovirales, họ Ronaviridae, chi Okavirus.

* Lây truyền bệnh:

– Chủ yếu lây truyền theo hàng ngang, do có vật chủ trung gian mang mầm bệnh vào môi trường nước.

* Phòng và trị bệnh:

– Bệnh đầu vàng chưa có thuốc chữa.

– Phòng ngừa và ngăn chặn bằng cách chọn tôm giống sạch bệnh (qua kiểm tra PCR), diệt khuẩn và diệt vật chủ mang mầm bệnh trong ao và nước.

– Không nuôi mật độ quá cao.

– Luôn cung cấp đủ oxy cho ao nuôi.

– Giữ môi trường ổn định

11. Bệnh phát sáng (Luminous Bacteria Disease, Luminescent vibriosis )

Bệnh phát sáng xuất hiện quanh năm trên các loài tôm sú, thẻ, càng xanh… Bệnh có thể xảy ra trong tất cả các giai đoạn ương nuôi từ trứng đến tôm trưởng thành.

Bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước giàu dinh dưỡng, nhiều chất hữu cơ ở độ mặn cao, thiếu oxy hòa tan, lây lan nhanh trong mùa nóng.

* Triệu chứng:

– Tôm yếu, bơi không định hướng, tấp mé bờ, phản ứng chậm chạp

-Mang và thân tôm có màu sẫm, bẩn, thịt đục màu. Gan viêm và teo nhỏ, mất chức năng tiêu hóa cho tôm.

– Ăn giảm, không có thức ăn và phân trong ruột.

-Đầu, thân tôm phát sáng màu trắng.

-Quan sát bằng kính hiển vi thấy vi khuẩn phát sáng di chuyển trong cơ, máu tôm.

-Có đốm sáng rất nhỏ và nhiều trên phần cơ thịt của tôm

-Tôm chậm lớn, có thể bị đóng rong ở mang và vỏ.

-Tôm chết đáy rải rác tuỳ vào mức độ nặng nhẹ của bệnh. Nếu nhiễm bệnh 100% đàn tôm trong giai đoạn 45 ngày nuôi đầu, có thể chết hàng loạt.

-Tôm ấu trùng nhiễm bệnh có màu trắng đục, nhiễm bệnh nạng thì lắng dưới đáy bể ương và chết hàng loạt.

* Phương pháp chẩn đoán bệnh:

– Nhận biết triệu chứng bệnh.

– Thử nghiệm bằng TCBS Agar test kit (dùng môi trường thiosulfate citrate bile sucrose agar) để phát hiện vi khuẩn.

* Nguyên nhân:

-Nhiễm vi khuẩn thuộc nhóm Luminescencet Vibrio: chủ yếu và gây nguy hiểm nhất là Vibrio harveyi. Các vi khuẩn này có enzyme Luciferase gây ra sự phát sáng.

-Là vi khuẩn gram âm G, phát triển nhanh ở độ mặn 10-40ppt (mạnh nhất ở độ mặn 20-30 ppt).

– Các vi khuẩn này có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.

– Bệnh có thể nhiễm từ các trại giống, ao ương sang ao thịt. Trong sản xuất giống, mầm bệnh được lây lan chủ yếu bằng đường ruột từ tôm mẹ sang ấu trùng trong giai đoạn sinh sản.

* Phòng ngừa và xử lí bệnh

a. Trại giống

• Vệ sinh kỹ lưỡng bình ấp trứng, bể ương.

• Thường xuyên sát trùng dụng cụ.

• Xử lý nguồn nước bằng UV, chlorine, ozone

• Xử lý trứng artemia bằng chlorine

• b. Tôm giống

• Chọn tôm bố mẹ khỏe, sạch bệnh.

• Kiểm tra bằng PCR

• Kiểm tra sự căng thẳng và sức khỏe của giống, loại tôm yếu bằng formol,

• Thả nuôi với mật độ thả phù hợp

• c. Ao nuôi

• Trước vụ nuôi phải cải tạo ao: nạo vét sạch bùn đáy, bón vôi, phơi ao

• Diệt khuẩn trong ao và nước bằng Chlorine 30ppm hoặc B.K.C 1-2ppm hoặc thuốc tím KMnO4 2-3ppm

• Diệt các vật chủ trung gian, hạn chế cua, còng, ốc trong ao. Vớt hết tôm chết ra khỏi ao.

• Dùng men vi sinh để cải tạo đáy ao và xử lý nước hằng ngày trước khi thả tôm 7 ngày.

d. Phòng bệnh

• Độ mặn:

• Không nuôi tôm ở độ mặn quá cao. Hạ độ mặn để ức chế vi khuẩn phát sáng.

• Nhiệt độ nước:

Vào mùa hè, duy trì mức nước trong ao nuôi từ 1,2 – 1,5m và độ trong của nước từ 30 – 40cm để hạn chế khả năng tăng nhiệt.

• Giữ môi trường ổn định:

-Kiểm tra chất lượng nước (pH, kH, độ đục, màu sắc, tảo) và đáy ao thường xuyên để xử lý kịp thời.

-Tăng cường chạy sục khí.

-Sử dụng men vi sinh, đường cát, định kỳ.

• Giảm chất hữu cơ trong nước:

Kiểm tra sàng ăn hàng ngày, điều chỉnh thức ăn hợp lý, không để thừa thức ăn làm ô nhiễm nước và đáy ao.

Định kỳ thay nước, xiphông đáy, hút bùn, để giảm bớt chất hữu cơ trong ao.

• Chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh cho tôm:

Bổ sung vitamin C, đa vitamin, men tiêu hóa và khoáng vi lượng vào thức ăn để tạo kháng thể, giúp tôm có sức đề kháng, giảm căng thẳng cho tôm nhất là khi có thay đổi môi trường nước hoặc biến động thời tiết.

Từ khi tôm được 21 ngày tuổi, định kỳ kiểm tra vibrio trong nước và tôm 7 ngày/lần. Vibrio trong nước phải ít hơn 102 tế bào/cc và không có vi khuẩn này trong gan tôm.

e. Xử lý khi tôm nhiễm bệnh

-Dùng thuốc kháng sinh: dùng đúng loại thuốc, đúng liều lượng, đúng thời gian. Việc sử dụng kháng sinh chỉ có kết quả khi phát hiện bệnh sớm.

-Bổ sung đa vitamin và men tiêu hóa vào thức ăn.

-Diệt khuẩn nước trong ao và khử trùng dụng cụ, thiết bị.

12. Hướng dẫn trị bệnh sữa trên tôm hùm bằng phương pháp tiêm kháng sinh Oxytetracyline

(Nguồn: Th.S Trần Thanh Thủy

Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa)

Hiện tượng bùng phát bệnh sữa trên tôm Hùm là do môi trường vùng nuôi bị suy thoái kết hợp với sức khỏe tôm nuôi yếu

Tác nhân gây bệnh sữa trên tôm Hùm: Vi khuẩn tựa Rickettsia, một loại vi khuẩn ký sinh nội bào và vị trí ký sinh là tế bào chất.

Kháng sinh sử dụng: Sử dụng 1 trong 2 loại dung dịch kháng sinh Oxytetracyline hiện đang có trên thị trường.

– Dung dịch chứa Oxytetracyline 20% dạng tiêm

– Hoặc dịch chứa Oxytetracyline 10% dạng tiêm

Dung dịch để pha loãng: sử dụng một trong 2 loại sau

– Dung dịch muối sinh lý đẳng trương 9ppm

– Hoặc nước cất (dùng để tiêm của dược phẩm)

A. Cách pha loãng dung dịch kháng sinh để tiêm

I. Đối với tôm nhỏ hơn 500 g/con (0,5 kg/con)

Vì dung dịch kháng sinh tiêm đang có trên thị trường là loại dùng cho thú y và các đối tượng là trâu, bò, heo…. Nên chúng ta cần phải pha loãng 10 lần để tiêm cho tôm hùm có kích cỡ

Hiện nay trên thị trường chưa có những loại thuốc kháng sinh tiêm đặc hiệu cho thủy sản nói chung và giáp xác nói riêng. Vì thế chúng ta vẫn có thể sử dụng loại khánh sinh tiêm Oxytetracyline dùng trong thú y.

1. Với dung dịch chứa Oxytetracyline 20% dạng tiêm

– Cách pha thuốc: 1ml dung dịch chứa Oxytetracyline 20% dạng tiêm + 9 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất(1 phần thuốc pha với 9 phần nước)

– Liều tiêm: 0,1 ml thuốc đã pha/100 g tôm

2. Với dung dịch chứa Oxytetracyline 10% dạng tiêm

– Cách pha thuốc: 2 ml dịch chứa Oxytetracyline 10% dạng tiêm + 8ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (2 phần thuốc pha với 8 phần nước)

– Liều tiêm: 0,1 ml thuốc đã pha/100 g tôm

II. Đối với tôm có kích thước lớn hơn 500g/con (0,5kg/con)

1. Với dung dịch chứa Oxytetracyline 20% dạng tiêm

– Pha thuốc: 2 ml dịch chứa Oxytetracyline 20% dạng tiêm + 8 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (2 phần thuốc pha với 8 phần nước)

– Liều tiêm: 0,05 ml thuốc đã pha/100 g tôm

2. Với dung dịch chứa Oxytetracyline 10% dạng tiêm

– Pha thuốc: 4 ml dịch chứa Oxytetracyline 10% dạng tiêm + 6 ml nước muối sinh lý hoặc nước cất (4 phần thuốc pha với 6 phần nước)

– Liều tiêm: 0,05 ml thuốc đã pha/100 g tôm

B/ cách thao tác tiêm cho tôm

Khi kiểm tra tôm nuôi trong lồng nuôi thấy xuất hiện 1 – 2 con tôm hùm bị bệnh sữa thì phải tiến hành tiêm thuốc cho toàn bộ tôm nuôi trong lồng. Vì trong quá trình nghiên cứu tại phòng thí nghiệm và ngoài hiện trường của nhóm nghiên cứu dịch tễ đã chứng minh rằng, khi một con tôm trong lồng bị bệnh thì cả đàn tôm nuôi đã bị nhiễm bệnh.

Chuẩn bị các dụng cụ: cân đồng hồ, bơm kim tiêm pha thuốc loại 5 ml hoặc 10 ml, bơm tiêm dùng để tiêm 1ml, găng tay trái, khăn bông, kéo, panh.

Tôm được bắt bằng vợt bắt tôm lên khỏi lồng, người thực hiện việc tiêm thuốc phải cầm gọn phần giáp đầu ngực và chân bò của tôm bằng tay trái có đeo găng, ép phần bụng của tôm vào vế đùi trái không cho tôm co đuôi về phía bụng, dùng bơm tiêm loại 1ml tiêm cho tôm. Vị trí tiêm ở mặt bụng tại đốt bụng thứ nhất hoặc đốt bụng thứ 2.

Trước khi tiêm cho tôm cần chuẩn bị ô lồng trống có lưới sạch để chuyển tôm được tiêm sang.

C. Bước trong phác đồ trị bệnh

– Ngày thứ nhất: tiêm toàn bộ tôm nuôi trong ô lồng. Lưu ý một việc là trong quá trình tiêm nên tách những con bị bệnh nặng ra một ô riêng.

– Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 6: Cho tôm ăn thuốc bổ dưỡng là các loại sản phẩm chứa Vitamin, Chất tăng cường đề kháng bệnh – bổ gan

Cách trộn: Cá mồi rửa sạch, để ráo nước. Cứ 1 kg cá mồi trộn thêm:

+ Nutrimix (VTM) 5 gam (loại cho cá), hoặc 2 gam (loại dùng cho tôm)

+ Doxalase (Chất tăng cường đề kháng bệnh – bổ gan) 1 ml

Trộn thật đều thuốc với cá mồi, ướp trong 30 phút, sau đó trộn dầu mực áo bên ngoài để giảm hao hụt thuốc do tan ra môi trường rồi cho tôm ăn. Mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có trộn 2 loại thuốc trên 1 lần vào buổi chiều tối)

– Ngày thứ 7: Kiểm tra tôm trong lồng nuôi.

– Nếu thấy tôm còn bệnh sữa, lặp lại việc tiêm thuốc như trên.

– Nên kiểm tra để khẳng định không còn vi khuẩn hình que cong trong máu tôm trớc khi quyết định tiêm lần 2.

– Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14: Cho tôm ăn các sản phẩm chứa Khoáng chất, Chất tăng cường đề kháng bệnh – bổ gan, men vi sinh dùng cho tôm (giáp xác).

Cách trộn: Cá mồi rửa sạch, để ráo nước. Cứ 1 kg cá mồi trộn thêm:

+ Minerex (Khoáng chất – cứng vỏ) 5 gam

+ Doxalase (Chất tăng cường đề kháng bệnh – bổ gan) 1ml

+ Combax (men vi sinh cải thiện vi sinh vật đường ruột) 5 gam (dạng bột) hoặc 2 ml (dạng dung dịch)

Trộn thật đều thuốc với cá mồi, ướp trong 30 phút, sau đó trộn dầu mực hoặc chất bao dạng kết dính để giảm hao hụt thuốc do tan ra môi trường rồi cho tôm ăn. Mỗi ngày cho tôm ăn cá mồi có trộn thuốc 1 lần vào buổi chiều tối.

Lưu ý:

– Khi cho tôm ăn thuốc nên cho ăn lượng thức ăn ít hơn ngày thường, cho ăn muộn hơn thường lệ từ 30 phút đến 60 phút.

– Nên cho cá mồi đã trộn thuốc vào túi kín rồi lặn xuống gần đáy và thả từ từ cho tôm ăn.

– Theo nghiên cứu của nhóm dịch tễ thì bệnh phát triển mạnh vào các tháng có nhiệt độ cao từ tháng 6 – 8 trong năm, bà con nuôi tôm Hùm cần tăng sức đề kháng cho tôm nuôi và tạo môi trường tốt nhất cho vùng nuôi của mình.