Cà chua là loại rau ăn quả được trồng phổ biến ở nước ta. Tính đa dụng và nhu cầu tiêu thụ cà chua tươi ngày càng lớn đã thúc đẩy sự phát triển loại cây này như một trong những cây trồng chính. Bên cạnh đó, trồng cà chua cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, một trong những thách thức đối với nông dân trồng cà đó chính là bệnh xoăn lá đã làm thất thu năng suất rất lớn.
Bệnh xoăn lá do virus gây ra và gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau trong đó có nhóm cây rau thực phẩm bị hại nghiêm trọng nhất là cà chua, ớt. Bệnh xoăn lá có thể xuất hiện ngay từ khi cây còn nhỏ trong vườn ươm cho đến khi trồng ra ruộng và thu hoạch, phổ biến nhất là cây bắt đầu ra hoa. Bệnh xuất hiện càng sớm thì mức độ thiệt hại càng nặng. Cây bị bệnh còi cọc, lá biến màu vàng nhạt, trong khi gân lá còn xanh tạo thành những vết xanh vàng loang lổ, lá nhỏ lại, nhăn nheo và thô cứng, các lá ngọn bị xoăn, cây sinh trưởng kém, thấp nhỏ, phân nhiều nhánh cằn không phát triển được. Đốt thân hoặc các đốt ngắn lại và hơi uốn cong. Cây bị bệnh sớm và nặng có thể chết. Nếu bị muộn và nhẹ thì những lá non ra sau mới bị xoăn, cây có thể ra hoa và trái nhưng rụng nhiều. Nếu có trái thì trái nhỏ, méo mó, cứng, chất lượng kém.
Virus lây lan bằng dịch cây, bằng tiếp xúc cơ giới và chủ yếu là do bọ phấn chích hút từ cây bệnh rồi truyền sang cây khỏe. Bọ phấn bemisia tabaci là côn trùng môi giới truyền bệnh. Virus lan truyền rất nhanh, khi bọ phấn bắt đầu ăn cây cà chua, virus được truyền đi trong vòng 15-30 phút. Mật độ bọ phấn càng cao thì tỷ lệ cây bị bệnh xoăn lá càng nhiều. Bệnh không tồn tại lan truyền qua hạt giống và qua đất. Hàng năm, bệnh thường phát sinh mạnh từ tháng 10 đến đầu tháng 11 và gây hại nặng vụ cà chua xuân-hè tháng 3-4, đặc biệt khi trời ấm và nắng, ít mưa. Mức độ bị bệnh ở các giống cũng khác nhau: giống cà chua lai dễ nhiễm bệnh hơn các giống cà chua thuần; các giống mới nhập nội dễ nhiễm hơn các giống trồng qua nhiều năm; các giống cà chua địa phương có khả năng kháng bệnh virus cao.
* Biện pháp phòng trừ bệnh xoăn lá cà chua:
– Sử dụng các giống kháng bệnh. Không sử dụng nguồn giống ở những ruộng bị bệnh.
– Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá phía gốc để vườn cây thông thoáng hạn chế nơi ẩn nấp của bọ phấn.
– Bón phân cân đối, không bón thừa đạm và tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục để tăng khả năng chống chịu được bệnh.
– Hạn chế sử dụng phân bón lá có hàm lượng đạm cao.
– Nhổ bỏ cây bị bệnh đưa xa ruộng đem tiêu hủy.
– Phun thuốc trừ bọ phấn ngay từ trong vườn ươm và ngoài đồng. Sử dụng các loại thuốc trừ bọ phấn như: Map Green 6AS, Vimatrine 0.6L, Bralic-Tỏi-Tỏi 12.5DD,…
Chú ý: đảm bảo thời gian cách ly.