Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Một số vấn đề cần lưu ý khi xuống giống lúa Hè Thu

Hiện nay, mùa mưa đã bắt đầu, tỉnh Bến Tre cũng đang chuẩn bị một vụ lúa Hè Thu. So với các tỉnh lân cận, Bến Tre xuống giống muộn hơn do điều kiện nước không thuận lợi (phải chờ mưa đều). Trong các vụ, Hè Thu là vụ lúa đầy khó khăn, thách thức vì thời tiết bất lợi: đầu vụ nắng hạn xì phèn dễ bị chết giống, cuối vụ lúa trổ gặp mưa bão…

Vì thế, trong sản xuất lúa Hè thu, nông dân cần quan tâm chăm sóc ngay từ khâu đầu như làm đất, gieo sạ, thời vụ, sâu bệnh…nhằm tạo cây lúa khoẻ làm tiền đề cho năng suất cao. Để có một vụ lúa Hè Thu thắng lợi, nông dân cần lưu ý một số vấn đề sau:

* Biện pháp canh tác

Thời điểm gieo sạ nên tuân thủ theo lịch né rầy của địa phương nhằm hạn chế rầy nâu chích hút giai đoạn lúa còn nhỏ có khả năng truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, ảnh hưởng nghiêm trọng năng suất. Ngoài ra, hãy chờ mưa đều mới gieo sạ vì vội vàng xuống giống khi không đủ lượng nước sẽ dễ đưa đến tình trạng chết giống phải gieo sạ lại.

Làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẵng, làm rãnh thoát mặn, thoát phèn trong đầu mùa mưa. Bón lót vôi và lân trong quá trình làm đất, nên bón lót vôi ( liều lượng 20-30kg/ 1000m2) và Super lân ( liều lượng 30kg/ 1000m2) đầu vụ nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc phèn.

*Hiện tượng ngộ độc phèn

Ngộ độc phèn là trường hợp thường xảy ra đầu vụ lúa Hè Thu , đặc biệt trên những chân ruộng nhiễm phèn nặng vì trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho các tầng đất chứa yếu tố sinh phèn dễ bị oxy hóa, dẫn đến hiện tượng xì phèn gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa đầu vụ Hè thu.  Triệu chứng ngộ độc phèn thể hiện lá lúa xuất hiện nhiều đốm nâu, lá có màu tím sẫm hoặc chuyển màu nâu cam, phiến lá hẹp, vàng, lưa thưa, cây lúa thấp, không phát triển mặc dù đã bón phân đầy đủ. Rễ có màu nâu sậm và xoăn làm cho cây lúa khó hấp thụ dinh dưỡng, nên cây chậm phát triển, nếu không khắc phục kịp thời, cây lúa sẽ suy yếu dần và có thể chết. Khi lúa xuất hiện triệu chứng ngộ độc phèn nên thay nước, để rửa độc chất trong đất. Đồng thời, rãi thêm phân lân hoặc phun phân bón lá có hàm lượng lân cao như Hydrophos để tái tạo bộ rễ. Sau đó khi cây lúa phục hồi (thấy ra rễ trắng) mới cung cấp thêm phân đạm hoặc NPK. Nếu trường hợp trong kênh không có nước thì có thể phun nước hoặc phân bón lá để tạm thời cung cấp nước và dinh dưỡng cho cây chịu đựng tạm thời trong thời gian khô hạn.

* Một số dịch hại cần quan tâm đầu vụ lúa Hè Thu

1- Cỏ dại:

Cỏ dại là dịch hại ảnh hưởng năng suất lúa nghiêm trọng nếu không phòng trừ. Có nhiều biện pháp quản lý cỏ dại khác nhau như biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp hóa học,… nông dân nên quản lý cỏ dại bằng biện pháp tổng hợp như làm đất kỹ, mặt ruộng bằng phẳng, san bằng những chổ gò vì đây là nơi cỏ phát triển mạnh nhất. Khi làm đất, lượm sạch các gốc cỏ củ là mầm móng phát triển cỏ rất khó phòng trừ, sàng sạch hạt giống để loại bỏ những hạt cỏ dại và lúa cỏ lẫn với lúa, sử dụng hạt giống cấp xác nhận nhằm hạn chế cỏ dại, tạo cây lúa khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh. Quản lý nước là biện pháp quan trọng nhất trong quản lý cỏ dại. Sau khi gieo sạ khoảng một tuần, nên cho nước vào ruộng và giữ nước trong ruộng (mực nước cao thấp tùy theo giai đoạn sinh trưởng) suốt thời gian sinh trưởng của lúa sẽ khống chế được sự phát triển của cỏ dại. Hiện nay nông dân thường áp dụng biện pháp hóa học trừ cỏ là phổ biến, tuy nhiên sử dụng thuốc trừ cỏ nên tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.

2- Bọ trỉ

Ấu trùng bọ trỉ hại lúa.

Bọ trỉ thường xuất hiện đầu vụ lúa Hè Thu. Bọ trỉ chích hút nhựa lá, làm chóp lá xe lại, biến vàng và có thể khô cháy nếu mật độ cao và ruộng bị khô hạn. Bọ trỉ thường chỉ gây hại khi lúa còn nhỏ (giai đoạn mạ). Thời tiết nóng, khô, ruộng thiếu nước, thiếu phân là điều kiện thích hợp cho bọ trỉ phát triển và gây hại. Ruộng bị bọ trỉ gây hại chỉ cần đảm bảo đủ nước, cung cấp dinh dưỡng kịp thời, lúa sẽ phục hồi tốt. Nếu trong trường hợp khô hạn, không có nước để cho vào ruộng, có thể phun phân bón lá để cung cấp nước và dinh dưỡng tạm thời cho cây lúa trong thời gian ngắn nhưng sau đó vẫn phải cho nước trong ruộng.

3- Sâu năn

Bên cạnh, sâu năn (hay còn gọi là muỗi hành) là đối tượng dịch hại có thể phát triển trong vụ Hè Thu vì hiện nay sâu năn đã xuất hiện trên trà lúa đẻ nhánh ở một số tỉnh lân cận.

Thành trùng của sâu năn là một loài muỗi nhỏ, dài khoảng 3-5mm, màu nâu vàng hoặc hồng nhạt, có kích thước bằng con muỗi thường nhưng con cái có bụng màu đỏ lợt. Thành trùng hoạt động ban đêm. Trứng thường đẻ mặt dưới của phiến lá, đôi khi chúng đẻ trên bẹ lá. Sâu non giống như con dòi, mình dẹt, màu trắng sữa, dài khoảng 4-5mm. Trong mùa nắng chúng sống tiềm sinh trong lúa mạ hay cỏ ở dạng sắp hóa nhộng. Thành trùng hoạt động trở lại vào đầu mùa mưa. Sâu non sau khi nở có một thời gian ngắn khoảng 1-2 ngày sống trong nước ( không có nước trong vòng 24 giờ sâu sẽ chết), sau đó chui qua bẹ lá lúa đục vào điểm sinh trưởng của tép lúa làm cho lá lúa mới mọc ra bị cuốn tròn lại như lá hành, sâu non sống trong đó. Khi sắp hóa nhộng sâu non bò lên ngọn lá hành đục một lổ nhỏ và một phần thân nhộng nằm qua lổ để hóa muỗi. Khi sâu non mới xâm nhập vào đọt non làm gốc lúa tròn và to lên. Khi lá hành chưa vươn ra ngoài, còn ở trong thân lúa làm thân lúa phình lên rõ rệt. Ống hành (tương tự như lá hành, có màu xanh nhạt, phía đầu lá hành được bịt kín bằng một nút cứng do mô lá tạo thành, nên đôi khi còn gọi là sâu ống hành) thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày sau khi sâu non xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng. Chồi có lá hành thì không cho bông nhưng có thể mọc chồi mới để bù lại số chồi bị hại. Khi bông đã tượng hình thì ấu trùng của muỗi hành không gây hại được nữa. Ấu trùng làm nhộng trong ống. Thành trùng chui ra đầu ống, chỉ để lại vỏ nhộng. Sâu chỉ phá hại lúa ở giai đoạn trước khi có đòng.

Sâu năn rất khó để trừ, biện pháp phòng là chủ yếu. Diệt trừ cỏ dại quanh ruộng; gieo cấy thời vụ đồng loạt trên một cánh đồng; khi phát hiện trên ruộng có tép lúa bị hại nên thay nước ruộng; những vùng hàng năm thường bị sâu năn có thể rãi thuốc sâu dạng hạt như ViBasu 10H, Diaphos 10G, Regent 0.3G,…phun thuốc thường rất ít hiệu quả, đặc biệt không sử dụng thuốc khi thấy ống hành đã nhiều vì lúc đó sâu đã hóa muỗi.

4- Bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá

Điều đáng quan tâm hơn,  bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá có nguy cơ sẽ xuất hiện và gây hại trên trà lúa Hè thu, vì thế nông dân cần cảnh giác phát hiện kịp thời nhằm ngăn chặn nguồn bệnh lây lan trên diện rộng.

Triệu chứng bệnh vàng lùn

Triệu chứng bệnh lùn xoắn lá

Triệu chứng nhận biết bệnh vàng lùn là bụi lúa vàng, lùn nhưng nếu virus xâm nhiễm muộn chiều cao cây lúa không chênh lệch nhiều với cây lúa bình thường nên nông dân sẽ khó nhận ra nhưng triệu chứng đặc trưng là góc lá lúa bẹt ra rất rõ, lá có màu vàng cam, xuất hiện ở những lá bên dưới, lan dần lên những lá trên.Trong một bụi lúa xen lẫn một vài chồi bị bệnh. Bệnh lùn xoắn lá thường xuất hiện cùng với bệnh vàng lùn. Cây lúa bị bệnh lùn, lá bị xoắn, sinh trường cằn cọc, cây thấp lùn, chiều dài lá, rễ đều bị co ngắn so cây bình thường. màu lá xanh đậm, rìa lá có vết rách và gợn sóng, chóp lá bị biến dạng, xoăn tít lại, gân lá bị sưng. Đốt thân bên trên có hiện tượng nhảy chồi, các chồi này cũng có gié nhỏ mang các hạt nhưng bị lép hoặc lững. Lúa không trổ được, bị nghẹn đòng và hạt lép. Cây lúa tuổi càng nhỏ dễ bị nhiễm bệnh và thiệt hại càng lớn, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng. Có trường hợp trên một bụi lúa đồng thời xuất hiện cả hai triệu trứng bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Cả hai bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá đều do virus gây ra, môi giới truyền bệnh là rầy nâu. Để ngăn chặn sự phát triển nguồn bệnh trong vụ Hè Thu  cần chú ý các biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ như: Biện pháp gieo sạ tập trung, đồng loạt “né rầy” trên cùng cánh đồng là biện pháp hàng đầu, hữu hiệu nhất, kinh tế nhất để giải quyết cơ bản dịch rầy nâu mang mầm bệnh virus hại lúa. Vì thế kiên quyết xuống giống tập trung từng vùng và theo lịch né rầy của cơ quan chuyên ngành khuyến cáo; phòng ngừa côn trùng môi giới là rầy nâu (nên ngăn ngừa bằng cách duy trì thiên địch của rầy); nhổ bỏ và tiêu hủy các bụi lúa bị bệnh; áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ như gieo sạ mật độ hợp lý, bón phân cân đối  để tạo cây lúa khỏe, gia tăng sức đề kháng của cây. 

5- Bệnh đạo ôn

Bệnh hại nông dân cần quan tâm trong vụ lúa Hè Thu là bệnh đạo ôn. Bệnh có thể xuất hiện từ rất sớm giai đoạn mạ cho đến lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ. Bệnh tấn công trên lá, đốt thân, cổ lá, cổ bông. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất lúa nếu không phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Bệnh chớm xuất hiện là những chấm kim màu vàng nâu, về sau vết bệnh phát triển thành hình mắt én. Để phòng trừ bệnh đạo ôn, cần chọn giống kháng bệnh, mật độ sạ vừa phải, bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, không để ruộng khô nước, khi bệnh chớm xuất hiện phun thuốc đặc trị như:  Filia 525SE , Flash 75WP, Fuji-one 40 WP, Beam 75WP, Rabcide 30WP, …

Triệu chứng bệnh đạo ôn gây hại trên lá

Triệu chứng bệnh đạo ôn gây hại trên cổ bông

Để vụ lúa Hè Thu đạt thắng lợi đòi hỏi nông dân phải quan tâm chăm sóc ngay đầu vụ từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân đến quản lý dịch hại bằng biện pháp tổng hợp được áp dụng một cách linh hoạt và hợp lý./.