Với mô hình này, 10ha trồng lúa có thể thu lãi tới 350 triệu đồng một năm, đồng thời, giảm thiểu được tác hại từ các loại hóa chất bảo vệ thực vật tới môi trường.
Nông dân trồng lúa tại huyện Lương Tài. Ảnh: bacninh
Trước đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, năm 2015, tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai thử nghiệm mô hình trồng lúa VietGAP tại 2 huyện Lương Tài và Quế Võ và thu được kết quả khả quan. Toàn tỉnh hiện gieo cấy khoảng 35.000ha lúa, trong đó, có nhiều giống cho ra các loại gạo đặc sản như hương thơm Kinh Bắc, bắc thơm số 7, nàng hương… Sản lượng thu hoạch lúa của tỉnh mỗi năm đạt khoảng 420.000 tấn.
Nhằm nâng cao giá trị, giúp cây lúa của tỉnh có đầu ra ổn định, đồng thời, giảm thiểu được các vấn đề về ô nhiễm môi trường, vụ xuân năm 2015, sau khi tiến hành khảo sát tại nhiều địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh quyết định lựa chọn hai huyện Quế Võ và Lương Tài để triển khai mô hình trồng lúa VietGAP. Diện tích gieo cấy thí điểm là 20ha.
Hai giống lúa được lựa chọn để triển khai mô hình là bắc thơm số 7 và TL2. Đây cũng là hai trong số nhiều loại giống được trồng phổ biến trên địa bản tỉnh, cho năng suất tương đối cao và thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương.
Tham gia quy trình VietGAP, đầu tiên, phần diện tích trồng lúa tại thôn Quảng Nạp, xã Quảng Phú, huyện Lương Tài và thôn Quế Ô, xã Cách Bi, huyện Quế Võ được kiểm tra mẫu đất, nước. Sau khi có kết quả đạt chuẩn cả về hàm lượng kim loại nặng, độ pH và nhiều tiêu chí khác thì người dân bắt đầu đưa vào gieo sạ.
Thời điểm gieo sạ bắt đầu từ tháng 2/2015. Sau 4 tháng, cây lúa bắc thơm số 7 bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt gần 58 tạ một ha (cao hơn tới gần 3 tạ một ha so với lúa canh tác trong điều kiện thường). Cùng thời điểm, giống lúa LT2 cũng cho năng suất tới 61 tạ một ha (cao hơn 4 tạ một ha so với cách gieo trồng cũ).
Bắc Ninh hiện có 35.000ha lúa với nhiều giống lúa ngon đặc sản. Ảnh: Bizmedia.
Trong suốt quá trình canh tác, các hộ tham gia mô hình được cán bộ của sở nông nghiệp về hướng dẫn cách chăm sóc lúa. Các cán bộ này cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình gieo trồng. Toàn bộ hoạt động như bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho tới thu hoạch đều được ghi chép lại để lưu trữ và truy xuất nguồn gốc.
So sánh với lối canh tác cũ, mặc dù chi phí xử lý đầu vào tăng lên nhưng chi phí cho thuốc bảo vệ thực vật lại giảm đi. Ngoài ra, giá bán của lúa trồng theo quy trình VietGAP lại cao hơn hẳn so với trước đây. Ước tính, với 10ha trồng có thể thu lãi tới 350 triệu một năm, đồng thời, giảm thiểu được tác hại từ các loại hóa chất bảo vệ thực vật tới môi trường.
Sau khi triển khai thử nghiệm, đến nay, Bắc Ninh đã xây dựng được 3 vùng trồng lúa VietGAP với tổng diện tích là 70ha. Sự thành công này là tiền đề để Bắc Ninh tiếp tục nhân rộng mô hình trồng lúa sạch, thân thiện với môi trường, tiến tới cung cấp thêm cho thị trường trong tỉnh và miền Bắc những giống gạo sạch, ngon.