Theo chân ông Vũ Đình Chiến, cán bộ nông nghiệp xã, chúng tôi đi thăm những khu vườn rau ngót ở một số ấp trong xã. Tuy đã vào mùa khô nhưng rau ngót ở đây vẫn xanh tốt, lên cao ngang người. Ông Nguyễn Thành Trung ở ấp Tây Kim, người có thâm niên trong nghề trồng rau ngót gần 10 năm cho biết: “Gia Kiệm là vùng đất pha đá nên vùng cao rất thích hợp cho trồng cây rau ngót và vùng trũng thích hợp cho trồng rau cần. Trước đây, trồng rau ngót chỉ bán được khoảng 1.500 đồng/kg, năm nào trúng, tôi cũng được khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha. Nhưng năm nay rau ngót được giá, trừ chi phí đi tôi còn lời cả 100 triệu đồng/ha”.
Theo một số hộ nông dân ở Gia Kiệm, trồng rau ngót tương đối dễ lại tốn rất ít công chăm sóc và cứ khoảng 2 – 2,5 tháng thu hoạch một lứa. Nếu rau phát triển tốt sẽ đạt 10 tấn/ha. Với giá bán như hiện nay là 2.700 đồng/kg, trừ chi phí công chăm sóc, thu hoạch và phân bón, người trồng còn lời 20-22 triệu đồng/lứa/ha. Còn ông Nguyễn Hữu Cần ở ấp Tây Kim cho biết: “Trước đây tôi chỉ trồng vài sào rau ngót để có thêm thu nhập, nhưng sau thấy trồng rau ngót hiệu quả kinh tế cao, một người có thể chăm sóc 7 – 8 sào rau, nên tôi chuyển cả 2ha vườn qua trồng rau ngót. Dịp này, rau tăng giá, tôi lời trên 40 triệu đồng/lứa”.
Ông Chiến, cán bộ nông nghiệp xã cho hay, những năm trước, diện tích trồng rau ngót của xã chỉ khoảng trên 10ha nhưng năm nay rau ngót được giá, do vậy có nhiều người chuyển qua trồng rau ngót, diện tích tăng lên 60 hécta. Lợi thế của trồng rau ngót là chúng ít khi bị sâu bệnh; trồng một lần có thể thu hoạch từ 2 – 3 năm mới phải trồng lại. Nhưng nét đặc biệt của rau ngót là khi cây đã già cỗi phá bỏ đi phải chuyển qua trồng loại cây ngắn ngày khác, khoảng 2 năm sau mới tiến hành trồng lại rau ngót. Nếu trồng lại rau ngót ngay, cây sẽ cằn, phát triển kém và năng suất rất thấp. Rau ngót thích hợp nhất là loại đất pha đá, về mùa khô khoảng 2 ngày tưới cho rau ngót một lần.
Theo kinh nghiệm của những người chuyên trồng rau ngót, để rau phát triển nhanh, lá dày và to sau mỗi vụ thu hoạch nên dùng phân DAP theo liều lượng 300kg/ha và 50kg đạm urê bón cho cây; không nên dùng nhiều đạm urê, cây sẽ chỉ phát triển cành, lá ít, năng suất sẽ giảm.