Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Kỹ thuật canh tác lúa – Phần 2

CƠ SỞ KỸ THUẬT TĂNG NĂNG SUẤT LÚA

2/ Các biện pháp kỹ thuật tăng năng suất lúa

2.1 Số bông trên đơn vị diện tích 

Số bông trên đơn vị diện tích được quyết định vào giai đọan sinh trưởng ban đầu của cây lúa (giai đoạn tăng trưởng), nhưng chủ yếu là giai đoạn từ khi cấy đến khoảng 10 ngày trước khi có chồi tối đa. Số bông trên đơn vị diện tích tùy thuộc vào mật độ sạ cấy và khả năng nở bụi của lúa. Mật độ sạ cấy và khả năng nở bụi của lúa thay đổi tùy theo giống lúa, điều kiện đất đai, thời tiết, lượng phân bón nhất là phân đạm và chế độ nước. Số bông trên đơn vị diện tích có ảnh hưởng thuận với năng suất. 

Nói chung, đối với giống lúa ngắn ngày, thấp cây, nở bụi ít, đất xấu, nhiều nắng nên cấy dầy để tăng số bông trên đơn vị diện tích. Ngược lại, trên đất giàu hữu cơ, thời tiết tốt, lượng phân bón nhiều (nhất là N) và giữ nước thích hợp thì lúa nở bụi khỏe có thể sạ cấy thưa hơn. Các giống lúa cải thiện thấp cây có số bông trên m2 trung bình phải đạt 500-600 bông /m2 đối với lúa sạ hoặc 350-450 bông/m2 đối với lúa cấy, mới có thể có năng suất cao. 

Các biện pháp kỹ thuật cần lưu ý để tăng số bông trên đơn vị diện tích: 

– Chọn giống thích hợp với đất đai và mùa vụ tại chổ. 

– Làm mạ tốt để có cây mạ to khỏe, có chồi ngạnh trê, xanh tốt và không sâu bệnh. 

– Chuẩn bị đất chu đáo, mềm, sạch cỏ và giữ nước thích hợp.

– Cấy đúng tuổi mạ, đúng khoảng cách thích hợp cho từng giống cấy cạn để lúa nở bụi khỏe. Đối với lúa sạ thì ngâm ủ đúng kỹ thuật và sạ với mật độ thích hợp. 

– Bón phân lót đầy đủ, bón thúc sớm để lúa chóng hồi phục và nở bụi sớm mau đạt chồi tối đa và chồi khỏe cho nhiều bông và bông to sau nầy. 

– Làm cỏ, sục bùn đúng lúc, giữ nước vừa phải và liên tục để điều hòa nhiệt độ và khống chế cỏ dại. 

– Phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

2.2 Số hạt trên bông 

Số hạt trên bông được quyết định từ lúc tượng cổ bông đến 5 ngày trước khi trổ, nhưng quan trọng nhất là thời kỳ phân hóa hoa và giảm nhiễm tích cực. Ở giai đoạn này, số hạt trên bông có ảnh hưởng thuận đối với năng suất lúa do ảnh hưởng đến số hoa được phân hóa. Sau giai đọan này, số hạt trên bông đã hình thành có thể bị thoái hóa có ảnh hưởng âm. 

Như vậy, số hạt trên bông tùy thuộc vào số hoa được phân hóa và số hoa bị thoái hóa. Hai yếu tố này bị ảnh hưởng bởi giống lúa, kỹ thuật canh tác và điều kiện thời tiết. Nói chung, đối với những giống lúa bông to, kỹ thuật canh tác tốt, bón phân đầy đủ, chăm sóc đúng mức, thời tiết thuận lợi thì số hoa phân hóa càng nhiều, số hoa thoái hóa càng ít, nên số hạt cuối cùng trên bông cao. Ở các giống lúa cải thiện, số hạt trên bông từ 80 – 100 hạt đối với lúa sạ hoặc 100 – 120 hạt đối với lúa cấy là tốt trong điều kiện đồng bằng sông Cửu Long.

Các biện pháp kỹ thuật cần lưu ý để tăng số hạt trên bông: 

– Chọn giống tốt, loại hình bông to, nhiều hạt, nở bụi sớm (chồi ra càng sớm càng có khả năng cho bông to). 

– Ức chế sự gia tăng của số chồi vô hiệu vào thời kỳ bắt đầu phân hóa đòng để tập trung dinh dưỡng nuôi chồi hữu hiệu. 

– Bón  phân đón đòng (khi bắt đầu phân hóa đòng) để tăng số hoa phân hóa và bón phân nuôi đòng (18-20 ngày trước khi trổ) để giảm số hoa bị thoái hóa. 

– Bảo vệ lúa khỏi bị sâu bệnh tấn công . 

– Chọn thời vụ thích hợp để cây lúa phân hóa đòng lúc thời tiết thuận lợi, không mưa bão. 

Người ta có thể ức chế chồi vô hiệu bằng nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau tùy điều kiện cụ thể. Kỹ thuật bón phân hình chữ V (phần 6.3 của chương nầy), rút nước giữa mùa hoặc xịt thuốc cỏ với liều thấp nhằm ức chế sinh trưởng dinh dưỡng quá mạnh và diệt chồi vô hiệu ngay trước khi cây lúa bắt đầu phân hoá đòng là các biện pháp có thể áp dụng nhằm tối ưu hoá các thành phần năng suất lúa

2.3 Tỉ lệ hạt chắc: (tính bằng phần trăm hạt chắc trên tổng số hạt) 

Tỉ lệ hạt chắc được quyết định từ đầu thời kỳ phân hoá đòng đến khi lúa vào chắc nhưng quan trọng nhất là các thời kỳ phân bào giảm nhiễm, trổ bông, phơi màu, thụ phấn, thụ tinh và vào chắc. 

Tỉ lệ hạt chắc tuỳ thuộc số hoa trên bông, đặc tính sinh lý của cây lúa và chịu ảnh hưởng lớn của điều kiện ngoại cảnh. Thường số hoa trên bông quá nhiều dễ dẫn đến tỉ lệ hạt chắc thấp. Các giống lúa có khả năng quang hợp, tích lũy và chuyển vị các chất mạnh, cộng với cấu tạo mô cơ giới vững chắc không đổ ngã sớm, lại trổ và tạo hạt trong điều kiện thời tiết tốt, dinh dưỡng đầy đủ thì tỉ lệ hạt chắc sẽ cao và ngược lại. Muốn có năng suất cao, tỷ lệ hạt chắc phải đạt trên 80 %. 

Các biện pháp kỹ thuật cần lưu ý để gia tăng tỉ lệ hạt chắc: 

– Chọn giống tốt, trổ gọn, khả năng thụ phấn cao và số hạt trên bông vừa phải. 

– Sạ cấy đúng thời vụ để lúa trổ và chín trong lúc thời tiết tốt, với mật độ sạ cấy vừa phải, tránh lúa bị lốp đổ.  

– Bón phân nuôi đòng (18-20 ngày trước khi trổ) và nuôi hạt (khi lúa trổ đều) đầy đủ và cân đối để lúa trổ bông, thụ phấn, thụ tinh và tạo hạt đầy đủ. 

– Chăm sóc chu đáo, tránh cho lúa bị khô hạn hoặc bị sâu bệnh trong thời gian này

2.4 Trọng lượng hạt 

Trọng lượng hạt được quyết định ngay từ thời kỳ phân hoá hoa đến khi lúa chín, nhưng quan trọng nhất là các thời kỳ giảm nhiễm tích cực và vào chắc rộ. 

Trọng lượng hạt tùy thuộc cỡ hạt và độ mẩy (no đầy) của hạt lúa. Đối với lúa, người ta thường biểu thị trọng lượng hạt bằng trọng lượng của 1000 hạt với đơn vị là gram. Ở phần lớn các giống lúa, trọng lượng 1000 hạt thường biến thiên tập trung trong khoảng 20 – 30 g. Trong lượng hạt chủ yếu do đặc tính di truyền của giống quyết định, điều kiện môi trường có ảnh hưởng một phần vào thời kỳ giảm nhiễm (18 ngày trước khi trổ) trên cỡ hạt; cho đến khi vào chắc rộ (15 – 25 ngày sau khi trổ) trên độ mẩy của hạt. 

Các biện pháp kỹ thuật cần lưu ý để tăng trọng lượng hạt: 

– Chọn giống có cỡ hạt lớn, trổ tập trung. 

– Bón phân nuôi đòng để tăng cỡ hạt đến đúng kích thước di truyền của giống và bón phân nuôi hạt, giữ nước đầy đủ, bảo vệ nước không bị ngã đổ hoặc sâu bệnh phá hoại, bố trí thời vụ cho lúa ngậm sữa, vào chắc trong điều kiện thuận lợi để tăng sự tích lũy vào hạt làm hạt chắc và no đầy (mẩy).