Ngoài khâu biết chuyển đổi giống mía mới, những nông dân trồng mía vùng Phụng Hiệp còn biết đúc kết kinh nghiệm để giảm thiểu tối đa sâu hại, nhằm hạ giá thành, tăng năng suất và chất lượng mía…
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Trí, ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp cũng trồng giống Hòa Lan Tím cho năng suất trung bình. Nhưng từ khi có chính sách khuyến khích thay đổi giống, anh Trí mua giống QĐ 13 về trồng, nhiều năm liền mía của anh luôn cho năng suất cao.
Hiện nay, rẫy mía của anh đã trên 5 tháng tuổi đang phát triển rất tốt, theo dự đoán năm nay năng suất sẽ đạt trên 200 tấn/ha. Theo anh Trí, giống mía QĐ 13 có năng suất cao, chữ đường khá nhưng rất nhạy với sâu đục thân gây hại, nếu không chú trọng khâu chăm sóc.
Kinh nghiệm nhiều năm trồng mía của anh Trí là không dùng thuốc hóa học để ngừa sâu đục thân mía. Đợi đến khi mía khoảng 2-3 tháng tuổi, lúc này đã có sâu đục thân, cần phải thường xuyên kiểm tra trên các bụi mía để tiêu diệt. Cây mía nào có dấu hiệu sâu chích thì phải đốn cả cây và tiêu diệt hết ổ để không bị lây lan.
Nếu không xử lý kịp thời các ổ sâu, sau khi nở nó sẽ lây lan ra từ 60-100 cây khác lân cận. Nhất là vào thời điểm sau khi đánh lá chân đến khi mía khoảng 5 tháng tuổi do mía rất non nên sâu rất nhạy. Nếu bị ngay thời điểm này mà không tiêu diệt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng từ 10-20% năng suất. Nhờ cách làm này mà rẫy mía của anh Trí nhiều năm liền giảm thiểu tối đa sâu đục thân gây hại.
Rẫy mía với diện tích 2,6 ha của anh Nguyễn Văn Bền ở kế bên trồng giống QĐ 13 cũng có năng suất vượt trội, nhờ phòng ngừa tốt sâu đục thân. Vụ mía vừa rồi của anh Bền cho thu hoạch trên 500 tấn mía cây, bán giá 380 đ/kg, thu lãi trên 50 triệu đồng. Kỹ thuật của anh Bền cũng giống như rẫy mía của anh Trí đang áp dụng.
Theo anh Bền, ngoài chọn lựa những giống mía tốt thì kỹ thuật chăm sóc cũng rất quan trọng từ khâu phân bón, phòng trừ sâu hại, vô chân, đánh lá,… thì mía mới cho năng suất cao khi thu hoạch. Riêng rẫy mía của gia đình mỗi năm cho vô chân sình 2 lần để tránh sự đổ ngã và cung cấp thêm chất dinh dưỡng để cây mía phát triển.
Chỉ tính riêng phần không sử dụng thuốc hóa học để ngừa sâu đục thân mía thì gia đình anh Bền cũng tiết kiệm được trên 1,5 triệu đồng tiền thuốc. Theo anh Bền, nếu sử dụng thuốc ngừa sâu đục thân thì nông dân mình sẽ chủ quan không theo dõi sâu hại đến khi phát hiện có sâu thì rẫy mía đã tràn lan, thiệt hại rất lớn đến năng suất.
Kinh nghiệm này được đúc kết từ lúc gia đình anh còn trồng giống mía Hòa Lan Tím và duy trì cho đến hôm nay vẫn thành công. Kinh nghiệm để phát hiện sâu là chú ý những cây mía nhỏ, thấp hơn các cây mía khác nên bướm thường đẻ trứng vào bẹ lá rồi gây hại.
Đến khi số trứng này thành nhộng sẽ cắn phá vào những đọt non làm mía bị héo, nếu lâu ngày không phát hiện kịp thời đến khi hết chất dinh dưỡng ổ sâu này sẽ trưởng thành và lây lan ra những bụi mía lân cận khác.
Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO), Võ Văn Sơn cho rằng, đây là mô hình phòng ngừa sâu bệnh rất hiệu quả, cần được nhân rộng. Theo ông Sơn, đối với giống mía QĐ 13 cũng thuộc giống mía triển vọng đã được công ty tổ chức nhiều điểm trình diễn để người dân từng bước nhân rộng trên vùng đất Phụng Hiệp.
Bởi vì, giống mía QĐ 13 ngoài ưu điểm về năng suất, thì chữ đường vẫn khá so với một số giống mía khác mà nông dân trong tỉnh đang trồng. Đặc biệt khâu xử lý về sâu đục thân, 2 rẫy mía của anh Trí và anh Bền khó có rẫy mía nào bì kịp.
Cách làm này vừa giảm được chi phí sản xuất, vừa không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cho người trồng mía. Nếu nông dân trồng mía, sử dụng quy trình này sẽ giảm được một chi phí rất lớn cho phòng ngừa sâu đục thân, đảm bảo không ảnh hưởng đến năng suất mía…