Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Hướng dẫn biện pháp xử lý hạt giống lúa nẩy mầm trước khi gieo sạ

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, sáng ngày 26/12, bão số 16 (Bão Tembin) đã tan trên vùng biển phía Nam Cà Mau, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Nam Bộ tiếp tục có mưa, khả năng kéo dài 2-3 ngày và xuất hiện đợt không khí lạnh. Do đó có thể gây bất lợi đối với lúa Đông Xuân 2018 đang chuẩn bị xuống giống. Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Khuyến nông An Giang khuyến cáo nông dân, một số vấn đề cần lưu ý trong việc xử lý hạt giống lúa để đạt độ nẩy mầm tối ưu.

I. Điều kiện cần thiết để hạt giống lúa nảy mầm

– Phải sử dụng giống lúa cấp xác nhận để gieo sạ, hạt giống (lúa) phải có độ ẩm đạt khoảng 13-13,5%

– Điều kiện bên trong hạt:

+ Sức sống của hạt lúa giống: Hạt giống còn khả năng nảy mầm được khi có đủ điều kiện như nước, nhiệt độ và ôxy thích hợp cho sự nảy mầm.

+ Sự ngủ nghỉ (miên trạng) của hạt: Hạt giống vừa mới thu hoạch đòi hỏi có thời gian ngủ nghỉ mới đến giai đoạn nẩy mầm, tùy giống thời gian miên trạng sẽ khác nhau. Trường hợp sử dụng nguồn giống vừa mới thu hoạch xong cần phải xử lý phá miên trạng, kích thích tăng sức nẩy mầm.

– Điều kiện bên ngoài

+ Ẩm độ của hạt giống: Hạt giống hút nước đạt độ ẩm cần thiết, hạt sẽ nảy mầm => cần phải ngâm hạt

+ Nhiệt độ: Thích hợp nhất để hạt lúa nảy mầm từ 30-350C.

+ Ôxy: cần cung cấp đủ ôxy cho khối hạt giống để hạt nảy mầm tốt (nếu thiếu oxy, mầm sẽ vươn dài, rễ phát triển kém hoặc không có rễ) => cần đảo đều đống ủ.

II. Hướng dẫn xử lý hạt giống lúa nẩy mầm trước khi gieo

Bước 1: Trước khi ngâm ủ:

– Hạt giống trước khi ngâm ủ: Cần được phơi lại dưới nắng nhẹ từ 1 – 2 giờ để làm tăng khả năng hút nước.

– Nên lấy ngẫu nhiên một ít giống (khoảng 100 hạt) thử tỷ lệ nẩy mầm trước. Sau 3-4 ngày kiểm tra, tỉ lệ nẩy mầm đạt từ 80% trở lên thì giống chấp nhận được, tiến hành ngâm giống để gieo sạ.

Bước 2: Ngâm ủ

1. Đối với giống lúa hạt dài (OM5451, OM6976, OM4900, IR50404, Jasmine,…)

1.1. Xử lý hạt giống trước khi ngâm:

– Đối với lúa giống được thu hoạch trước đó khoảng 30 ngày trở lên: Giống trước khi ngâm, cần phải loại bỏ những hạt lép lửng, sử dụng dung dịch nước muối 15% (15kg muối ăn pha 100 lít nước ra dung dich nước muối 15%), 10kg lúa ngâm 30 lít dung dịch, xử lý thời gian càng nhanh càng tốt, không quá 15 phút.

– Đối với lúa giống mới thu hoạch trong khoảng 30 ngày trở lại: Cần xử lý miên trạng bằng axit nitric: 1 lít axit (HNO3) pha 100 lít nước ngâm với  100kg lúa, ngâm 24-36 tiếng để phá miên trạng của hạt giống.

2.2. Ngâm giống

Tùy vào: nhiệt độ môi trường, nhiệt độ nước, đặc điểm – loại giống lúa: vỏ dày-mỏng,… Thời gian ngâm giống từ 24-36 giờ.

2.3. Ủ giống:

Dụng cụ ủ giống: Có thể là bao lưới cước, đệm, cao su,….

– Sau khi ngâm, vớt giống, đãi sạch nước chua, lúa lừng, trấu, nhớt do hạt lúa tiết ra. Nếu gặp thời tiết lạnh thì cần hong nắng (nắng sáng) khoảng 1-2 tiếng đồng hồ để lấy độ nóng cho lúa, để ráo nước rồi ủ giống. Dùng đệm hoặc cao su đậy đống ủ (Tùy theo thời tiết nóng hay lạnh),

– Thời gian ủ: Trong vòng 24-48 giờ hạt lúa giống nảy mầm, khi rễ mầm dài khoảng 6-7mm, mầm 3-4mm là vừa (tùy phương pháp gieo sạ).

2 – Đối với giống lúa hạt tròn (lúa Nhật, ĐS1,….)

Thường các giống hạt tròn (ĐS1,…) có thời gian miên trạng khoảng 45 ngày, vì vậy để ngâm và ủ giống cho nẩy mầm tốt cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật sau:

– Ngày thứ 1: Đổ lúa vào bồn ngâm và cho nước vào ngập lúa + axit nitric (HNO3):

+ Đối với giống có thời gian thu hoạch đến ngày ngâm nhỏ hơn 45 ngày thì ngâm 1 bao 40kg lúa với 200 ml HNO3 (2 chai loại 100 ml/chai).

+ Nếu lúa cũ có thời gian thu hoạch đến ngày ngâm lớn hơn 45 ngày thì nên ngâm 1 bao 40kg với 100 ml HNO3 (1 chai loại 100ml/chai).

– Ngày thứ 2: Xả bỏ nước trong bồn ngâm và rửa lại bằng nước sạch ít nhất 2-3 lần cho thật sạch axit. Sau đó để lúa ráo khoảng thời gian từ 8 – 9 giờ mới cho nước sạch vào ngâm tiếp.

– Ngày thứ 3: Xả bỏ nước trong bồn ngâm và rửa lại bằng nước sạch ít nhất 2-3 lần cho thật sạch, đãi sạch nước chua, loại bỏ lúa lừng, trấu, nhớt do hạt lúa tiết ra. Sau đó để lúa ráo khoảng thời gian từ 8 – 9 giờ mới cho nước sạch vào ngâm tiếp.

– Ngày thứ 4: Xã bỏ nước trong bồn ngâm và rửa lại bằng nước sạch ít nhất 2-3 lần cho thật sạch rồi đem ủ giống. Lúc này hạt lúa đã hút đủ ẩm và nứt nanh. Nên để từng bao lưới riêng để lúa rỏ nước và lên đều hơn là chất thành đóng (2 -3 bao chồng lên nhau). Lưu ý: Trời lạnh phải đậy đệm cẩn thận (2-3 lớp đệm hoặc bạt) để giữ cho đủ độ ấm lúa mới nẩy mầm tốt. Đồng thời phải kiểm tra nhiệt độ thường xuyên tránh để quá nóng bị vuột mộng lúa.

– Ngày thứ 5: Mở lớp bạt đậy ra và để thoáng trong khoảng 2-3 giờ, rồi lấy ngót vừa đủ ẩm rồi ủ tiếp. Lúc này lúa đã nảy mầm. Lưu ý: Nếu ngày thứ 5 thấy lúa có độ nhớt cao thì phải lấy ngót nhiều nước (kiểm tra nhiệt độ thường xuyên tránh để quá nóng bị vuột mộng lúa).

– Ngày thứ 6: Kiểm tra mộng ra vừa thì sạ (tùy phương pháp gieo sạ).

Cần lưu ý: cần kiểm tra tỉ lệ nẩy mầm, phải đạt từ 80% trở lên, mới tiến hành gieo sạ lúa ngoài đồng.