Để tăng hiệu quả kinh tế cho các loại cây trồng ngắn ngày đồng thời cho cây bông có chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu cây trồng khu vực Tây Nguyên, mô hình xen canh bông với những cây trồng ngắn ngày như đậu tương, ngô, lạc… đã được thực hiện và mang lại hiệu quả rõ nét cho nhiều vùng thuộc Tây Nguyên.
Tây Nguyên vốn được xem là “vựa bông” lớn, cung cấp một lượng lớn nguyên liệu bông cho ngành công nghiệp dệt may nước ta. Đây cũng chính là một trong những khu vực trọng tâm được ưu tiên thực hiện những kế hoạch trong chiến lược phát triển cây bông vải của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diện tích trồng bông ở vùng Tây Nguyên đã có sự sụt giảm nghiêm trọng. Theo thống kê của Công ty Bông Việt Nam, nếu niên vụ 2007-2008, diện tích trồng bông đạt khoảng 3.700ha thì niên vụ 2008-2009, diện tích trồng bông chỉ còn khoảng 500ha. Nguyên nhân chính khiến cho diện tích bông sụt giảm là quy trình kỹ thuật trong canh tác chưa ổn định dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, khả năng cạnh tranh của cây bông với các cây trồng truyền thống khác của vùng đất này như ngô, đậu xanh, đậu tương và lạc vẫn chưa mạnh mẽ. Tuy nhiên, những loại cây trồng ngắn ngày này cũng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những người dân nơi đây.
Để khôi phục được vùng trồng bông Tây Nguyên, cây bông cần nhanh chóng có được một chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp ngắn ngày của vùng. Đứng trước mục tiêu này, thời gian qua, Viện Nghiên cứu bông và phát triển nông nghiệp Nha Hố – Bộ Công Thương đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, xây dựng một số mô hình xen canh bông với cây trồng ngắn ngày ở các vùng trồng bông chính”. Theo đó, nhóm nghiên cứu đề tài đã đẩy mạnh nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật về giống, quy trình canh tác, quản lí dịch hại thích hợp và đồng bộ giúp tăng năng suất bông, giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của cây bông với cây trồng ngắn ngày khác của vùng. Bên cạnh đó thử nghiệm việc đưa cây bông vào trồng xen với những cây ngắn ngày khác, tăng hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế cho người nông dân, giúp cho cây bông có chỗ đứng vững chắc trong cơ cấu cây trồng, tạo cơ hội nâng cao diện tích và sản lượng bông của vùng.
Cùng với việc nghiên cứu, lai tạo được một số giống bông lai với đặc tính tốt như có tiềm năng năng suất cao, thân cành gọn, chín tập trung…, việc nghiên cứu này đã góp phần tạo ra các giải pháp thiết thực nhất nhằm góp phần khai thác tốt điều kiện đất đai và tạo ra cơ cấu cây trồng ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả kinh tế, tạo cơ hội mở rộng diện tích và nâng cao sản lượng bông.
Sau một thời gian nghiên cứu, năm 2009, mô hình trồng bông xen canh với các loại cây trồng ngắn ngày đã bắt đầu được thực hiện tại Đắk Nông, Gia Lai… và đã mang lại hiệu quả rõ nét. Cụ thể, mô hình trồng bông xen đậu tương tại Đắk Nông dù làm giảm năng suất bông và tăng năng suất đậu tương so với phương pháp trồng bông và đậu tương thuần, tuy nhiên hiệu quả kinh tế lại cao hơn hẳn. Cụ thể, phương thức trồng xen bông – đậu tương theo kiểu 1/4 (hàng bông cách nhau 1,4m, xen giữa 4 hàng đậu tương) mang lại lãi khoảng 17,5 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng bông đơn thuần 3,5 triệu đồng và cao hơn sơ với trồng đậu tương đơn thuần 10,4 triệu đồng/ha. Phương thức xen 2 bông/3 đậu cũng mang lại lãi 12,61 triệu đồng/ha.
Tại Gia Lai, mô hình xen canh bông – đậu xanh 2/4 (bông hàng kép cách nhau 1,4 m xen 4 hàng đậu xanh) cũng đã được áp dụng và chứng minh hiệu quả kinh tế rõ nét khi cho lãi cao với 13,3 triệu đồng/ha.
Mô hình trông bông xen lạc tại Đắk Nông theo phương thức 1 bông/4 lạc (hàng bông cách nhau 1m, xen giữa 4 hàng lạc) đã cho lãi đạt 24,5 triệu đồng/ha (trong khi trồng bông thuần chỉ cho 8,79 triệu đồng/ha).
Kết quả nghiên cứu trồng bông xen ngô tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy trồng bông xen ngô theo kiểu 4/1 đã mang lại lãi cao hơn hẳn so với trồng thuần. Cụ thể, hiệu quả kinh tế của hình thức này cao hơn so với trồng bông thuần là từ 1,3-2,5 triệu đồng/ha; cao hơn so với trồng ngô thuần tứ 5,4-8,5 triệu đồng/ha.
Những thành công từ nghiên cứu này đã mang lại hiệu quả cao cho phát triển cây bông tại Tây Nguyên. Tính đến nay, diện tích trồng bông năm 2010 tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên 7.000ha.
Phương thức trồng bông xen canh với những cây trồng ngắn ngày đã thực sự mang lại những hiệu quả kinh tế rõ nét. Đặc biệt, trước tình trạng ngành dệt may đang phải đối mặt với việc nhập khẩu một lượng lớn nguyên phụ liệu phương pháp này đã mở ra cơ hội lớn cho phát triển cây bông – một trong những nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp dệt may của nước ta./.