Một số bệnh nguy hiểm có thể tránh hoàn toàn nếu nông dân biết khéo léo điều khiển cây lúa tránh được các đợt phát tán ồ ạt của ký sinh gây bệnh.
Hỏi: Xin cho biết làm thế nào để điều khiển lúa xuân tránh được sâu bệnh hại?
Trả lời: Thực tế cho thấy biện pháp hữu hiệu nhất là sử dụng giống có khả năng kháng được sâu bệnh hoặc giống có khả năng bù trừ cao khi bị sâu hại tấn công. Sử dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật đồng bộ để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ruộng thông thoáng ít hấp dẫn côn trùng, bệnh hại.
Một số bệnh nguy hiểm có thể tránh hoàn toàn nếu nông dân biết khéo léo điều khiển cây lúa tránh được các đợt phát tán ồ ạt của ký sinh gây bệnh. Ví dụ điều khiển lúa trổ khoảng 1 tuần sau tiết lập hạ khi chưa có gió bão, không có mưa kéo dài nên bệnh bạc lá, đạo ôn cổ bông không có điều kiện phát triển và gây hại…
Các biện pháp kỹ thuật như thâm canh mạ, tạo ra cây khỏe, bón phân đúng cách, cấy hàng rộng, điều tiết nước hợp lý… sẽ hạn chế một cách tối đa cho lúa trước sự rình rập thường xuyên của các loài gây hại.
Trường hợp phải dùng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh thì nên sử dụng các loại thuốc an toàn, ít hoặc không gây hại hệ sinh vật có ích trong ruộng lúa.
Để chủ động điều khiển cây lúa không bị nhiễm bệnh, ngoài kỹ thuật canh tác, cần nắm vững điều kiện gây hại của ký sinh, yếu tố thời tiết khí hậu để chủ động bố trí thời vụ sao cho lúa vẫn có đủ điều kiện sinh trưởng, phát triển bình thường. Ví dụ bố trí gieo cấy các giống lúa ngắn ngày ở trà xuân muộn khi đến thời tiết mưa phùn kéo dài thì lúa vẫn non chưa tích lũy nhiều đạm trong lá nên không bị nhiễm đạo ôn lá, khi lúa trổ thời tiết chưa có giông bão, mưa lớn lại rất an toàn.
Hỏi: Dưa hấu ở vùng chúng tôi gần đây thường bị bệnh héo xanh gây hại rất nhiêu. Xin được bày cách phòng trị cho hiệu quả cao?
Trả lời: Héo xanh vi khuẩn (Pseudomonas solanacearum) là một trong những bệnh thường gặp trên cây dưa hấu ở nước ta hiện nay.
Bệnh làm cho cây dưa đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi thân lá vẫn còn xanh. Khi mới bị, vào ban ngày có nắng cây bị héo, còn ban đêm cây tươi trở lại, sau 2 – 3 ngày cây không thể tươi trở lại được nữa và chết dần.
Để hạn chế tác hại của bệnh, có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp chính sau đây:
– Trước khi làm đất, thu gom sạch sẽ tàn dư của cây dưa hấu (kể cả cây họ bầu bí, họ cà… nếu có) ở vụ trước đem tiêu hủy tránh lây lan bệnh cho cây dưa ở vụ sau.
– Nếu điều kiện cho phép nên cày lật và phơi khô kỹ đất trước khi trồng.
– Lên luống cao, để ruộng dưa thoát nước tốt mỗi khi có mưa, tránh để ruộng bị ẩm ướt kéo dài.
– Sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh.
– Không bón quá nhiều phân đạm, tăng cường thêm lân, kali và phân hữu cơ hoai mục có trộn thêm chế phẩm Trichoderma.
– Phát hiện sớm và nhổ bỏ những cây đã bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy rồi rải vôi bột vào gốc vừa nhổ để khử trùng, hạn chế bệnh lây lan sang cây khác.
– Những ruộng thường bị bệnh gây hại nặng, nếu điều kiện cho phép nên luân canh với cây trồng nước như lúa, các loại rau trồng nước… một vài vụ.
– Kiểm tra ruộng dưa thường xuyên, nếu thấy bệnh chớm phát sinh thì dùng thuốc phun xịt kịp thời.
Có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Visen 20SC, Linacin 40SL, Mikcide 1.5SL, Trasuminjapane 2SL… (theo hướng dẫn trên nhãn thuốc)