Biện pháp sản xuất phân bón từ rơm rạ tại ruộng bằng công nghệ vi sinh của Viện Công nghệ sinh học đang là một giải pháp thiết thực, hữu ích, hiệu quả kinh tế cao.
Công nghệ này đã được triển khai trên diện rộng ở 5 huyện Xuân Trường, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản và Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định từ năm 2004 đến nay trong một dự án thử nghiệm phối hợp giữa Sở KH-CN tỉnh Nam Định và Viện CNSH. Thành công của dự án không chỉ giúp nông dân giữ được độ phì cho đất, giảm chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận trong SX lúa mà còn giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ rơm rạ.
TS. Trần Đình Mấn, Phó Viện trưởng Viện CNSH cho biết: Sau vụ gặt, nông dân chỉ cần thu gom rơm rạ vào một góc ruộng, hòa chế phẩm vi sinh (sản phẩm của Viện CNSH cung cấp) cùng với nước và phân NPK rồi tưới lên rơm rạ, che phủ bằng nilon hoặc trát bùn kín, chỉ sau 17-25 ngày rơm rạ sẽ mủn ra và trở thành một loại phân bón rất tốt cho cây trồng. Nếu dùng bón lót trước khi trồng cây, loại phân này giúp giảm từ 20-30% lượng phân hóa học và làm tăng năng suất cây trồng từ 5-7%.