Để có mạ tốt, xin giới thiệu một số phương pháp gieo mạ tiến bộ đang được khuyến cáo sử dụng hiện nay để bà con lựa chọn.
Vụ xuân muộn ở các tỉnh phía Bắc chiếm trên 90% diện tích đất trồng lúa nước, là vụ cho năng suất cao và ổn định, được Bộ NN-PTNT khuyến khích mở rộng diện tích trong những năm tới. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì mạ tốt ảnh hưởng tích cực đến 40-50% năng suất lúa cuối vụ.
Gieo mạ ném trên khay nhựa là phương pháp gieo mạ tiến bộ cho năng suất, hiệu quả kinh tế nhất hiện nay và đang được nhiều bà con nông dân áp dụng. Thóc mầm (gai dứa) được rắc lên các khay nhựa kích thước 30x60cm, mỗi khay có 561 lỗ hình chóp cụt có lỗ thủng ở đáy. Mỗi sào Bắc bộ (360m2) cần 1-1,5kg thóc giống, 25-30 khay mạ gieo trên diện tích 5-6m2. Khay mạ được che phủ kín bằng nilon màu trắng, sau 15-25 ngày, mạ cao 10-15cm, có 2-2,5 lá là lúc đem ra “ném”. Mạ ném có bộ rễ được bảo toàn trong bầu, ném nông trên mặt đất nên nhanh hồi xanh, đẻ sớm là tiền đề cho năng suất cao. Tuy nhiên mạ ném khó làm trên chân đất nhiều cát, nhanh lắng tạo lớp chai cứng trên bề mặt sau khi làm đất.
Gieo mạ dày xúc trên đất ướt che phủ nilon (gieo mạ Tunen trên ruộng): Đây là phương pháp gieo mạ phổ biến của bà con nông dân các tỉnh miền Bắc trong nhiều năm nay. Mạ được gieo trên dược mạ, làm luống rộng 0,8-1,5m, nền đất nhỏ mịn có độ ẩm bão hoà, gieo với mật độ 0,2-0,4kg/m2. Một sào lúa cần 2,5-3kg thóc giống. Mạ được che phủ nilon kín, tuổi mạ 15-25 ngày khi có 2-2,5 lá thật. Khi cấy dùng xẻng xúc đặt nông trên ruộng. Mạ dày xúc rễ ít bị đứt hơn mạ nhổ nên chịu rét và cho năng suất cao hơn mạ nhổ cấy thông thường.
Ngoài ra còn nhiều phương pháp gieo mạ trong vụ xuân muộn khác như: Gieo mạ tunen nền đất khô, mạ khay Việt-Nhật, mạ trên nền đất cứng (mạ sân). Những phương pháp này, tuy có nhiều ưu điểm nhưng khó áp dụng khi mở ra diện rộng.