Việc áp dụng mô hình này đã góp phần làm tăng năng suất sản xuất lúa thông qua việc thay đổi tập quán quản lý, giảm thiểu đầu vào về giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tiết kiệm nước, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao.
Canh tác lúa cải tiến (SRI) là sự tác động tổng hợp của các biện pháp kỹ thuật . Ảnh minh họa
Canh tác lúa cải tiến SRI ở Quảng Bình
Canh tác lúa cải tiến SRI đã được áp dụng ở Quảng Bình từ năm 2012, đến nay mô hình đang được nhân rộng với diện tích 619 ha ở vụ đông-xuân 2014-2015. Bước đầu, bà con nông dân hưởng ứng khá tích cực bởi tính ưu việt của mô hình. Bởi đây là một hệ thống sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường, có khả năng nâng cao sản lượng lúa canh tác, giảm thiểu lượng nước tưới, giống, phân bón, thuốc trừ dịch hại và công lao động, đồng thời giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Việc áp dụng SRI giảm được khoảng 50-60% lượng giống (từ 7-8 kg/sào theo phương pháp canh tác truyền thống xuống 2,5-4 kg/sào theo phương pháp SRI). Vì áp dụng nghiêm ngặt quy trình điều tiết nước khô ướt xen kẽ nên sử dụng nước bình quân ở ruộng SRI từ 40-55% so với canh tác truyền thống.
Canh tác theo SRI giảm khoảng 20-30% lượng đạm so với canh tác truyền thống; giảm bình quân 50% chi phí về thuốc bảo vệ thực vật. Vấn đề giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực đồng ruộng áp dụng SRI cũng giảm đáng kể so với canh tác truyền thống 30-35%, báo Quảng Bình đưa tin.
Những diện tích áp dụng SRI có hiệu quả vượt trội: năng suất SRI tăng bình quân 8%, nơi cao đạt 13%; thu nhập tăng bình quân 12%, nơi cao đạt 26-34%; lợi nhuận tăng 35%. Hiệu quả kinh tế so với ngoài mô hình vụ đông – xuân tăng 3.150.000đ – 5.081.000đ/1 ha, vụ hè – thu 2.540.000đ- 4.500.000đ/1ha.
Canh tác lúa cải tiến SRI ở Yên Bái
Canh tác lúa cải tiến (SRI) là sự tác động tổng hợp của các biện pháp kỹ thuật như: cấy mạ non, mật độ cấy thưa, quản lý nước, rút nước 3 – 4 lần trong giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng thay cho việc để ruộng ngập nước liên tục, làm cỏ sục bùn, tăng cường bón phân hữu cơ và bón phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa và quản lý dịch hại theo IPM.
Việc áp dụng tổng hợp các biện pháp này đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất lúa thông qua việc thay đổi tập quán quản lý, giảm thiểu đầu vào về giống, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và tiết kiệm nước, nhưng vẫn đảm bảo năng suất cao, thông tin từ Trạm Khuyến nông huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI đã và đang là hướng đi mới trong đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái), tạo động lực giúp nâng cao chất lượng, sản lượng của cây lúa. Ông Nguyễn Văn Nhưỡng – Phó Chủ tịch UBND xã Hạnh Sơn cho biết: “Mô hình thâm canh SRI mới được triển khai với phương pháp cấy thưa, cấy 1 dảnh, điều tiết nước hợp lý, đến vụ xuân năm 2014, diện tích lúa áp dụng theo phương pháp canh tác lúa cải tiến trên địa bàn xã đạt 198ha trên tổng diện tích lúa 257ha (chiếm 77,4%). Nhiều nông dân đã tự áp dụng các phương pháp canh tác SRI trên thửa ruộng nhà mình. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục mở rộng diện tích cấy lúa áp dụng phương pháp SRI”.