Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Cẩm nang trị bệnh lùn sọc đen: Trừ rầy ngay từ ‘trứng nước’

Trước tình trạng bệnh lùn sọc đen (LSĐ) tái bùng phát, nhiều địa phương trên cả nước đang rốt ráo vào cuộc để ứng phó, hạn chế tối đa thiệt hại.

Chủ động phòng trừ rầy bằng phương pháp xử lý hạt giống với thuốc Cruiser Plus

Điều đáng quan tâm hơn cả là phải kiểm soát dịch bệnh trên lúa vụ Mùa 2017 một cách triệt để, không để dịch bệnh lan truyền sang lúa vụ Xuân 2018 tới.

Ngoại trừ những diễn biến bất thường của thời tiết, những giải pháp và quy trình phòng chống đã được áp dụng thành công trong các đợt kiểm soát dịch vàng lùn, lún xoắn lá (VL, LXL) từ năm 2006-2008 ở phía Nam và dịch LSĐ năm 2009 – 2010 ở phía Bắc có thể tiếp tục mang lại hiệu quả nếu được thực hiện theo quy trình đồng bộ, tuân thủ nghiêm ngặt.  

Thuốc xử lý hạt giống: “Khắc tinh” của rầy lưng trắng

Từ năm 2006 – 2008, Viện BVTV đã tiến hành khảo nghiệm đánh giá hiệu quả sử dụng thuốc xử lý hạt giống Cruiser Plus 312.5FS của Cty TNHH Syngenta Việt Nam trong việc phòng trừ rầy nâu. Tháng 3/2009, “Quy trình phòng chống bệnh virus vàng lùn, lùn xoắn lá do rầy nâu là môi giới truyền bệnh tại các tỉnh phía Nam” đã được Cục BVTV công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Phát huy các kết quả nghiên cứu và trên kinh nghiệm kiểm soát bệnh VL, LXL tại phía Nam, năm 2010, Viện BVTV tiến hành khảo nghiệm đánh giá hiệu lực của thuốc xử lý hạt giống Cruiser Plus 312.5FS đối với rầy lưng trắng. Kết quả khảo nghiệm cho thấy hiệu lực trừ rầy lưng trắng của tất cả các liều lượng xử lý bằng Cruiser Plus 312.5 FS đều đạt trên 80% sau khi thả rầy 1 ngày và đạt 100% ở tất cả các liều lượng xử lý chỉ 3 ngày sau khi thả rầy.

Cũng chính nhờ tiến bộ KHKT và việc triển khai áp dụng các kết quả khảo nghiệm vào thực tế phòng chống dịch hại mà dịch bệnh VL, LXL trên lúa ở các tỉnh phía Nam và dịch LSĐ trên lúa ở phía Bắc trong mấy năm vừa qua đã được đẩy lùi. Vì vậy, đây có thể được coi là “cẩm nang” phòng chống bệnh LSĐ do rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh mà các địa phương phía Bắc cần triển khai và áp dụng.

Đối với bệnh LSĐ, đối tượng rầy lưng trắng di trú là mối nguy cơ thường trực truyền virus LSĐ cho cây lúa, đặc biệt trong giai đoạn mạ non, dưới 25 ngày tuổi. Do vậy các nhà khoa học của Viện BVTV chủ trương chặn rầy ngay từ khi mới lên mạ bằng cách ngâm hạt giống trong thuốc Cruiser Plus 312.5 FS với liều lượng từ 50ml/100kg hạt giống. Hoạt chất thiamethoxam có trong thuốc vừa hấp thụ thẳng vào hạt giống đồng thời phân tán ra đất và sẽ được hấp thụ trở lại qua bộ rễ cây con sau đó phân bổ toàn cây.

Theo Tiến sỹ Ngô Vĩnh Viễn, nguyên Viện trưởng Viện BVTV: “Với những cây mạ có chứa Cruiser Plus, rầy lưng trắng chích phải sẽ bị tê liệt ngay lập tức. Hoạt chất có trong thuốc có thể tồn dư và bảo vệ hữu hiệu cây mạ trong vòng 10-15 ngày. Trường hợp lúa gieo sạ, thời gian hiệu lực của thuốc sẽ kéo dài hơn vì cây mạ tận dụng được lượng tồn dư trong đất.

Ngoài việc phòng trừ rầy lưng trắng hiệu quả cao, thuốc Cruiser Plus 312.5FS còn có khả năng kích thích sự sinh trưởng và phát triển của mạ sau khi gieo và kích thích sự bén rễ hồi xanh ở giai đoạn sau cấy, giúp cây mạ khỏe hơn từ đó tăng khả năng chống chịu với các điều kiện bất thuận của thời tiết cũng như ảnh hưởng của sâu bệnh hại khác”.

Cũng theo khuyến cáo của Tiến sỹ Ngô Vĩnh Viễn, ngoài việc sử dụng thuốc xử lý hạt giống để phòng trừ rầy lưng trắng ngay từ giai đoạn “trứng nước”, bà con cần kết hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đặc biệt không bón thừa đạm, áp dụng biện pháp canh tác lúa cải tiến để tăng khả năng chống chịu của cây lúa…

Khi phát hiện bệnh, bà con phải nhanh chóng bao vây phun trừ rầy lưng trắng bằng các loại thuốc đặc hiệu trừ rầy như Chess 50WG, Actara 50WG… sau đó nhổ tiêu hủy những cây bị bệnh.  

Các địa phương rốt ráo vào cuộc

Tại Nghệ An, ngay khi dịch LSĐ xuất hiện trở lại trong vụ Mùa 2017, chính quyền địa phương đã khuyến cáo, vận động người dân tích cực kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời rầy lưng trắng và có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh bùng phát. Đồng thời, công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân về quy trình phòng chống bệnh đã được tăng cường nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho lúa.

Mô hình phòng chống bệnh vàng lùn, lùn sọc đen theo hướng hiệu quả, bền vững

Tại Nam Định, trước nguy cơ bệnh LSĐ có nguy cơ phát sinh thành dịch do ngay từ đầu vụ mật độ rầy lưng trắng cao bất thường, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan kịp thời hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy, quản lý bệnh LSĐ đồng thời có những biện pháp kịp thời để chăm sóc lúa mùa, đảm bảo cân đối dinh dưỡng nhằm tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt…

UBND tỉnh Thái Bình đã kịp thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng trừ dịch hại LSĐ, chính quyền địa phương đã tổ chức tập huấn và tuyên truyền cho người dân về biện pháp phòng trừ bệnh LSĐ để người dân chủ động phát hiện, kịp thời phòng trừ có hiệu quả rầy môi giới gây bệnh.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, một số khó khăn trong phòng chống bệnh LSĐ đã xuất hiện như người dân không tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng về quy trình phòng trừ bệnh, dẫn đến hiệu quả phòng trừ thấp. Bên cạnh đó, sau gần 8 năm bệnh LSĐ ít xuất hiện, gây hại, chính quyền và người dân một số địa phương còn có phần chủ quan, lơ là, coi nhẹ bệnh.

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh LSĐ bùng phát, đảm bảo sản xuất đạt kết quả cao, các cơ quan chức năng đã khuyến cáo bà con nông dân cần nắm vững về những dịch hại và tình hình thực tế sản xuất để kịp thời có các biện pháp phòng trừ. Điều quan trọng là khi áp dụng biện pháp phòng bệnh, bà con cần thuân thủ nghiêm ngặt quy trình và các hướng dẫn của các ngành chức năng, tránh tâm lý “mạnh ai nấy làm”.

Ông Nguyễn Huy Cường, đại diện Cty TNHH Syngenta Việt Nam khuyến cáo: “Bệnh LSĐ là loại bệnh rất nguy hiểm do virus, với rầy lưng trắng là trung gian gây bệnh, hiện vẫn chưa có thuốc để trừ bệnh. Vì vậy, bà con nên chủ động phòng trừ rầy bằng phương pháp xử lý hạt giống với thuốc Cruiser Plus. Công tác phát hiện và tiêu diệt rầy kịp thời có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng tránh bệnh. Các kỹ sư nông nghiệp của Cty Syngenta Việt Nam luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ để bà con nắm rõ về các biện pháp kỹ thuật để chủ động ứng phó với dịch bệnh”.