Lúa bị vàng lùn và lùn sọc đen là do virus gây ra. Đây là hai bệnh rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc để trừ. Cây lúa bị vàng lùn hay lùn sọc đen đều không cho thu hoạch.
Hỏi: Muốn ngăn ngừa bệnh vàng lùn và lùn sọc đen cho lúa xuân thì phải làm gì để đạt hiệu quả?
Trả lời: Lúa bị vàng lùn và lùn sọc đen là do virus gây ra. Đây là hai bệnh rất nguy hiểm hiện chưa có thuốc để trừ. Cây lúa bị vàng lùn hay lùn sọc đen đều không cho thu hoạch.
+ Để phòng ngừa 2 loại virus này nông dân cần biết một số thông tin sau:
– Cả hai loại bệnh này đều không lây truyền qua hạt giống, đất, nước, không khí… mà lây truyền thông qua rầy lưng trắng và rầy xanh đuôi đen.
– Nguồn bệnh thường lưu tồn trên lúa chét, ngô và một số loài cỏ dại.
– Giai đoạn cây mẫn cảm (hay bị nhiễm bệnh) là từ giai đoạn mạ đến khi kết thúc phân hóa đòng.
– Thời gian ủ bệnh khoảng 20 – 30 ngày tùy thuộc vào sức khỏe của cây.
+ Cách phòng ngừa hiệu quả:
– Tích cực diệt cỏ dại, dọn sạch, tiêu hủy lúa chét và tàn dư cây ngô để tiêu diệt nguồn bệnh và hạn chế nơi trú ẩn của rầy.
– Tiến hành cày phơi ải đất sớm.
– Hạn chế tối đa gieo cấy những giống lúa đã bị nhiễm bệnh nặng trong vụ mùa, tăng cường sử dụng giống kháng hoặc ít nhiễm rầy.
– Bảo vệ cây lúa non từ gieo mạ/gieo thẳng đến kết thúc phân hóa đòng như: Gieo mạ tập trung theo vùng, không gieo ở ruộng đã bị nhiễm bệnh vụ trước, khu trồng ngô, những nơi có ánh sáng vào ban đêm… Nên che phủ ni lông vừa để chống rét cho mạ vừa để ngăn rầy xâm nhập. Với lúa gieo thẳng cần xử lý hạt giống trước khi gieo bằng một trong các chế phẩm: Sakura 40WP, Cruiser plus 312,5FS, Kola, Gaucho 600FS, Enado 40FS… Cách xử lý và nồng độ theo hướng dẫn và khuyến cáo trên bao bì.
– Đối với ruộng mạ trước khi nhổ cấy từ 2 – 3 ngày nên phun thuốc trừ rầy cho mạ gọi là “phun tiễn mạ” nhất là mạ dược, cần chọn các thuốc có tính nội hấp, ít độc, có thời gian cách ly ngắn.
Nếu phát hiện mạ có triệu chứng bệnh thì tiến hành phun thuốc trừ rầy rồi tiêu hủy cả ruộng ngay.
Hỏi: Xin chuyên gia cho biết cách loại bỏ váng xanh nổi trên mặt ao nuôi cá?
Trả lời: Váng xanh nổi trên mặt ao là do tảo già chết tạo thành váng. Nguyên nhân có tảo nhiều là do ao thừa dinh dưỡng, dinh dưỡng từ thức ăn thừa, bón nhiều phân, chất thải của cá, vệ sinh ao không tốt. Để hạn chế tảo phải loại trừ được các nguyên nhân gây ra như cho ăn theo phương pháp “4 đúng”, hạn chế bón phân, thay nước định kỳ và vệ sinh ao thường xuyên.
Khắc phục: Bón chế phẩm sinh học định kỳ, thay nước không để ô nhiễm, thay 30%/ngày, thay 3 ngày liên tục. Bón vôi định kỳ 2 – 4kg/100m3 nước, bón 2 lần/tháng. Chú ý sau mỗi vụ nuôi phải xử lý ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật.
Hỏi: Tôi thầu khu đầm rộng 3ha, sâu 1m6 nuôi cá chuối đã 1 năm. Nửa tháng nay cá có hiện tượng lờ đờ lao đầu vào vào bờ rồi chết. Ngoài ra không có hiện tượng khác. Chưa dùng thuốc đẻ điều trị. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
Trả lời: Nuôi cá chuối nếu dùng thức ăn tươi sống thì nước ao rất nhanh bị ô nhiễm và cá dễ bị bệnh. Trước hết anh bắt cá đang bị bệnh lên kiểm tra xem vây, vảy, mổ quan sát nội tạng có xuất huyết không… Nếu cá có biểu hiện lở loét, ruột xuất huyết… là đã bị bệnh đốm đỏ lở loét, xuất huyết. Nguyên nhân do nước ô nhiễm, vi khuẩn phát triển gây bệnh cho. Khử trùng nước bằng một trong các loại sau: KMn04; Lodine; BKC; TCCA… liều sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Sau khi khử trùng nước xong trộn một số loại thuốc sau vào thức ăn cho cá ăn liên tục từ 5 – 7 ngày: Doxycycllin, Florphenicol hoặc Tiên Đắc. Không để nước ô nhiễm, cho cá ăn bổ sung vitamin C, thực hiện cho ăn theo phương pháp “4 đúng”, bổ sung thêm chế phẩm sinh học.