Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH Cần Thơ thì sầu riêng bị sượng là một dạng rối loạn sinh lý trong quá trình phát triển làm giảm phẩm chất và giá trị của trái. Có 5 dạng sượng trái chính sau đây:
– Trái bị cháy múi: Cơm hay vách múi có màu nâu hoặc đen, cứng không ăn được. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những cây còn nhỏ tuổi chưa đủ sức nuôi trái và trên những vườn cây già cỗi thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu can xi và magiê. Những năm đầu không nên để nhiều trái, nhất là những trái to từ 3,5kg trở lên. Kinh nghiệm nhiều nhà vườn cho thấy sau khi cây đã bước vào thu hoạch 2-3 vụ, nếu không có những tác động bất thường, được chăm sóc, bón phân đầy đủ, canh nước đúng cách thì hiện tượng sượng trái sẽ giảm dần.
– Trái chín không đều, phần cơm chính của trái hình thành lớp da cứng, phần cơm bị sượng sẽ không chín, có màu hơi trắng, không có vị và mùi thơm trong khi phần cơm không bị sượng vẫn chín và có mùi thơm bình thường. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là bón phân không cân đối hoặc bón quá nhiều đạm làm cây ra nhiều đọt non dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng với trái đang lớn.
– Cơm có nước hoặc bị nhão làm cho cả phần nhân ở giữa và phần cơm của trái trở nên rất ẩm, mềm, ăn kém ngon, không thơm. Hiện tượng này thường xẩy ra trong những tháng mùa mưa, hoặc thu hái sau những ngày có mưa to, cây hút nhiều nước làm trái bị nhão, giảm chất lượng.
– Sượng bao: phần cơm phía trong tiếp giáp với hạt có màu trắng đục, cứng nhưng bên ngoài vẫn mềm, thịt trắng hay vàng nhạt. Nếu bị nhẹ thì chỉ một vài hạt bị sượng, bị nặng thì hầu như tất cả các hạt đều bị sượng.
– Lạc cơm là hiện tượng thường xuất hiện trên những cây bị bệnh làm rụng lá, cây bị suy kiệt; do xiết nước hoặc lạm dụng phun Ethephon nhằm làm cho trái chín sớm.
Ngoài các nguyên nhân đã nêu thì hiện tượng sượng trái sầu riêng còn phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật canh tác, trong đó cách cung cấp dinh dưỡng cho cây chưa đúng lúc (quá sớm hay quá muộn) hoặc làm mất cân bằng dinh dưỡng là yếu tố quyết định. Mặc dù chưa được kiểm nghiệm trên cơ sở khoa học nhưng kinh nghiệm của nhiều nhà vườn cho thấy bón nhiều phân kali có chứa gốc clo như clorua kali (có màu đỏ hồng bà con quen gọi là kai muối ớt), clorua canxi, muối ăn, tro bếp… thì thường gây ra hiện tượng sượng trái. Mặt khác, khi bón thừa phân, đặc biệt là phân đạm sẽ kích thích sinh trưởng làm cho cây ra nhiều đọt non dẫn đến cạnh tranh dinh dưỡng giữa trái và đọt non dẫn đến trái non thiếu dinh dưỡng cần thiết sẽ bị rụng hàng loạt hoặc trái bị sượng.
Cách khắc phục: Hiện tượng sượng trái thường xẩy ra bắt đầu từ khoảng 12 tuần sau khi đậu trái. Sau khi thu hoạch xong cần tiến hành vệ sinh vườn, bón phân, tưới nước đầy đủ giúp cây ra đọt đồng loạt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ra hoa, đậu trái đồng loạt, hạn chế được hiện tượng sượng trái sau này. Sau khi cây đã đậu trái được 20 ngày cần bón thêm phân và tưới nước trở lại cho sầu riêng có đủ dinh dưỡng nuôi trái lớn.
Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi cho nước vào mương trở lại, nên cho một cách từ từ, tránh gây sốc cho cây, dễ làm sượng trái. Mực nước trong mương nên giữ ở mức 60-80cm cách mặt liếp là vừa. Trong thời gian cây mang trái nếu gặp những cơn mưa lớn trái mùa dễ kích thích cho cây ra đọt non gây cạnh tranh dinh dưỡng với trái, bà con cần phun các chất như Nitrat kali nồng độ 1,5%, phân MKP nồng độ 0,5-1% hoặc Paclobutazol 0,25-0,4%o để hạn chế cây ra đọt non. Tiến hành tỉa bớt trái nhỏ, trái dị dạng hoặc những chùm quá nhiều trái, chỉ giữ lại một lượng trái nhất định và chọn những trái đều nhau sẽ cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, trái sẽ không bị sượng. Tùy thuộc vào giống, tuổi cây mà quyết định giữ lại số trái trên cây thích hợp: với sầu riêng Ri 6 ở lứa tuổi 5-6 năm nên giữ lại 120 trái/cây, sầu riêng khổ qua 140 trái/cây, sầu riêng Mong Thong khoảng 70 trái/cây là vừa. Thời gian tỉa trái nên chia làm 3 lần vào các thời kỳ: lần đầu sau khi hoa nở 3-4 tuần, lần 2 vào tuần thứ 8 và lần 3 ở tuần thứ 10.