Giống vẫn là khâu quan trọng. Phải cố gắng thực hiện tiêu chí “1 phải” triệt để.
Năng suất, sản lượng lúa gạo của Việt Nam ngày càng tăng. Năm 2013, Việt Nam XK gần 7 triệu tấn gạo. Dự kiến năm 2014 có thể xuất 7,2 triệu tấn gạo. Tuy vậy, nông dân nhiều nơi than phiền là giá lúa thấp và rất bấp bênh, làm lúa không có lời, hoặc lời ít…
Trao đổi với một số nông dân ở miền Bắc được biết, trồng lúa năng suất thấp nhất cũng được 150 – 160 kg/sào 360 m2 (khoảng 4,2 – 4,4 tấn/ha và cao nhất là 300 kg/sào tức khoảng 8 tấn/ha) thì lời ròng thu được cũng chỉ đạt khoảng 150.000 – 500.000 đ/sào (từ 4 – 13,9 triệu đ/ha). Số tiền lời thu được trên 1 sào lúa kéo dài suốt vụ 3 – 4 tháng chỉ bằng tiền của 1 – 2 ngày công lao động làm thuê của 1 thợ hồ hay thợ mộc.
Mới nghe thì tưởng đó là chuyện đùa, nhưng lại là rất thực tế. Bức tranh đó không phải chỉ biểu hiện ở các tỉnh miền Bắc mà đó là toàn cảnh SX lúa của cả nước. Dù rằng, Nhà nước đã có chính sách chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang kinh doanh cây, con khác. Nhưng một loạt câu hỏi nữa được đặt ra là trồng cây gì, bán ở đâu, có dễ làm và thực sự lời hơn làm lúa không thì chưa có câu trả lời cụ thể.
Vì vậy nông dân ta vẫn trồng lúa. Vì dù bán không có lời nhiều nhưng ít ra là có gạo để ăn. Việc tìm các giải pháp để giúp nông dân nâng cao hiệu quả SX lúa là rất thiết thực, cụ thể là giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lúa và giải quyết tốt đầu ra.
Giảm giá đầu vào
Để khống chế chi phí các loại vật tư, người trồng lúa cần thực hiện kỹ thuật “1 phải 5 giảm” tốt hơn. Trong đó cần sử dụng phân và thuốc theo tiêu chuẩn “4 đúng”.
Với những nông dân còn lúng túng trong việc phối trộn các loại phân đơn sao cho đầy đủ và cân đối thì tăng cường sử dụng phân trộn để vừa cân đối vừa đơn giản và giảm thiểu công mang vác, công bón, lại không thừa phân, gây thêm ô nhiễm môi trường mà nông sản kém an toàn. Tăng cường điều kiện sử dụng các thiết bị cơ giới hóa cho khâu trồng lúa.
Hiện tại khâu làm đất hầu hết sử dụng bằng máy. Chỉ trừ một số diện tích đất lầy thụt máy khó vào. Nhưng khâu gặt, đập còn nhiều vùng có nhu cầu vẫn chưa đáp ứng được.
Theo tính toán của nông dân Châu Thanh Liêm ở tỉnh Sóc Trăng thì gặt đập bằng máy, mang thóc đến bờ kênh rẻ hơn thu hoạch bằng tay, bình quân 700.000 – 2.200.000 đ/ha (công gặt máy 280.000 đ/1.000 m2 còn gặt bằng tay dao động từ 350.000 – 500.000 đ/1.000 m2 tùy địa hình).
Phần lớn là gặt máy rẻ hơn gặt tay bình quân 1.500.000 – 2.000.000 đ/ha. Gặt máy làm giảm thất thoát, thao tác nhanh hơn, tránh được mưa gió tốt hơn. Hiểu như vậy, nhưng vùng ĐBSCL có tỷ lệ ruộng được gặt máy mới chiếm tỷ lệ 40 -50% mà thôi. Hãn hữu có tỉnh đạt tỷ lệ 60 – 70%.
Nâng cao năng suất
Giống vẫn là khâu quan trọng. Phải cố gắng thực hiện tiêu chí “1 phải” triệt để. Theo một nghiên cứu điều tra thì số nông dân sử dụng giống xác nhận còn rất ít. Trên 80% người trồng lúa sử dụng giống tự để hay trao đổi với nông dân hàng xóm hoặc mua giống trôi nổi.
Chỉ cần 80 – 90% nông dân được sử dụng giống xác nhận theo đúng nghĩa thì có thể đảm bảo năng suất lúa tăng lên ít nhất là 5 – 10%, hoặc tạo điều kiện để năng suất lúa ổn định trong từng vụ.
Ngoài ra sử dụng phương pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp tốt, quản lý sâu bệnh tốt sẽ đảm bảo năng suất lúa có thể vẫn tăng đều hay ít ra là ổn định cho các vụ. Trong chương trình cánh đồng mẫu lớn, sử dụng loại và lượng phân theo hướng dẫn như phân NPK Đầu Trâu, bình quân thu lợi 2 – 3 triệu đ/ha so với phương pháp sử dụng phân của nông dân.
Do đó cần phải vận dụng nhiều giải pháp để giảm bớt chi phí đầu tư thì mới tăng lợi nhuận cho ngành trồng lúa được.
Giải quyết đầu ra
Đầu ra sản phẩm lúa gạo hoàn toàn phụ thuộc vào quy luật cung và cầu lương thực trên thế giới và trong nước. Việc này ngoài tầm kiểm soát của người trồng lúa. Nói như vậy nhưng không phải người trồng lúa không có khả năng đóng góp phần của mình để có giá hợp lý, mà cần phải tham gia tích cực vào việc áp dụng các kỹ thuật trọn gói đã được các nhà khoa học phổ biến.
Ví dụ, riêng các khâu sử dụng giống xác nhận, bón phân và phun thuốc theo phương pháp “4 đúng”, gặt đập, phơi sấy và bảo quản đúng phương pháp cũng đã góp phần nâng cao giá trị của hạt gạo.
Ngày nay người dân trong nước cũng đã thay đổi thói quen ẩm thực. Nhiều người đã có của ăn, của để, thích ăn gạo ngon nhiều hơn trước đây. Nhà hàng khách sạn đang mọc lên cũng cần nhiều loại gạo có chất lượng do khách du lịch ngày càng nhiều.
Vì vậy, trồng những giống có chất lượng gạo ngon cũng là biện pháp nâng cao giá trị hạt gạo. Khi nhu cầu thị trường giảm xuống thì những người trồng lúa kém chất lượng như IR50404 sẽ lãnh hậu quả nặng nề hơn người trồng lúa có chất lượng cao.
Chính sách và liên kết “4 nhà”
Nhà nước cần có chính sách tốt hơn nữa để tạo sự gắn kết của liên kết 4 nhà tốt hơn, đặc biệt giữa nhà nông và doanh nghiệp đảm nhiệm đầu ra cho sản phẩm.