Quy trình ương nuôi tôm theo công nghệ Biofoc của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long được thực hiện như sau:
Cải tạo, xử lý ao nuôi
Chuẩn bị ao cấp nước: ao được sên vét, phơi ao từ 7 đến 10 ngày; sau đó cấp nước vào ao qua vải lọc dày, tiến hành diệt tạp bằng Saponin 15 ppm, khử trùng nước bằng Chlorine 30 ppm, bón phân gây màu nước ao.
Xây dựng, lắp đặt bể ương
Bể ương được thiết kế từ sắt (đường kính 5 – 6 mm) và bạt nhựa HDPE. Sắt được hàn tạo thành lồng hình trụ đường kính 4 m, cao 1,2 m. Sau đó bên trong được lót bằng lớp bạt HDPE màu đen. Nền đáy của bể được thiết kế tạo thành hình lòng chảo có lỗ để thuận tiện cho việc thoát nước hoặc xi phông.
Các bể ương được đặt trong lán che nắng. Lán này được làm bằng gỗ, tre và lá đảm bảo tiêu chí che được nắng, mát và chi phí thấp.
Người nuôi cần căn cứ vào diện tích và số lượng tôm thả nuôi của mình mà xây dựng nên số lượng bể nhiều hay ít. Với thiết kế 1 bể ương như trên, có thể ương được 70.000 – 90.000 post.
Cần lắp đặt hệ thống thổi khí bằng mô tơ điện và 1 máy nổ để dự phòng khi mất điện.
Cấp nước, gây tạo Biofloc
Sau khi nước gây màu trong ao nuôi, được bơm vào các bể với độ sâu 1 m, lắp đặt hệ thống thổi khí cho các bể, sục khí liên tục 24/24 h. Tiến hành bón vôi Dolomite, đường mật và thức ăn (bột đậu tương hoặc cám ủ) để tạo tỷ lệ Carbon (C) và Nitơ (N) thích hợp. Giai đoạn 3 ngày đầu trước khi thả giống cần bổ sung 10 g/m3 mật rỉ đường, 5 g/m3 thức ăn số 0 và 20 g/m3 vôi Dolomite. Sau khi quan sát thấy xuất hiện Biofloc trong nước thì có thể tiến hành thả giống vào ương.
Con giống và thức ăn
Sau khi có Biofloc thì tiến hành thả giống, giống tôm thẻ chân trắng cần phải được kiểm dịch, kích cỡ tôm PL9 trở lên, mật độ 6.000 con/m3 nước (7,5 vạn post/bể).
Cho ăn: thức ăn cho tôm dùng thức ăn công nghiệp với liều lượng được thực hiện ở bảng trên.
Lượng thức ăn cho tôm theo giai đoạn ương nuôi.
Chú ý liều lượng này có thể tăng hoặc giảm theo sức ăn của tôm trong ngày và theo mật độ Biofloc trong nước. Nếu Biofloc nhiều có thể giảm lượng thức ăn vì Biofloc là nguồn cung cấp thức ăn giàu dinh dưỡng cho tôm ở giai đoạn này.
Quản lý bể ương
Cần kiểm soát mật độ Biofloc trong bể ương chỉ nên ở mức 3 – 20 ml/l nước, thường xuyên đo các chỉ số môi trường (pH, NH3, KH, NO2) 2 lần/ngày. Định kỳ xi phông đáy 3 ngày/lần, thường xuyên quan sát kiểm tra máy sục khí, hàm lượng ôxy trong nước, tránh rò rỉ nước trong bể.
Không bổ sung vôi Dolomite khi độ kiềm (pH) từ 140 trở lên. Khi độ kiềm nhỏ hơn 140 thì cứ giảm 10 ppm độ kiềm bổ sung 0,1 kg vôi/m3 nước.
Nếu lượng Biofloc vượt mức 20 ml/l nước thì cần phải thay bớt nước để giảm mật độ Biofloc, đồng thời giảm lượng mật rỉ đường bổ sung vào nước.
Bổ sung thêm Vitamin C, khoáng chất, Yucca vào bể nuôi tôm.
Để hạn chế NH3, NO2, H2S gây độc cho tôm, cần hạn chế sự biến động của pH bằng cách bổ sung vôi và rỉ mật đường khi pH giảm hoặc tăng cao.
Kết quả khả quan
Sau 30 ngày ương nuôi trên bể có thể thu tôm và chuyển ra ao nuôi với tỷ lệ sống trên 94%, cao hơn 10% so với ương tôm không sử dụng công nghệ. Tuy tốc độ tăng trưởng có chậm hơn tôm nuôi ngoài ao nhưng bù lại tôm khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng, không có dấu hiệu bệnh, hệ số thức ăn thấp (FCR=0,6), quá trình thao tác đơn giản, môi trường nước trong bể dễ quản lý và ít có biến động lớn.
Sau khi ương nuôi trong bể có sử dụng Biofloc, tôm được thả nuôi ngoài ao đất có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Sau 30 ngày ương ngoài ao đất, tôm đạt 9,36 gram/con/tháng, tương đương 104 con/kg. Điều quan trọng nhất của công nghệ nuôi Biofloc là hạn chế dịch bệnh do Hội chứng chết sớm (EMS, AHPNS) gây ra trong thời gian nuôi.
Tags: uong tom, tom giong, nuoi tom