Chính vì vậy mặc dù cây mận An phước rất dễ trồng, năng suất rất cao, giá bán tương đối ổn định nhưng nhiều nhà vườn trồng rồi lại đốn bỏ do không quản lý nổi ruồi đục trái, thế nhưng anh Phan Châu Giản ở ấp Tân Phú, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre thì chẳng lo ruồi đục trái vì anh đã có cách quản lý và mạnh dạn chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng mận An phước, anh Ba Giản tức anh Phan Châu Giản vốn là thương binh trở lại với cuộc sống đời thường, anh rất cần cù chịu khó học hỏi kinh nghiệm để áp dụng cho mảnh vườn của mình ngày càng đạt hiệu quả hơn, chính vì vậy mà tại Hội thi trái ngon an toàn do tỉnh Bến Tre tổ chức vào ngày 12/6/2010 vừa qua trái mận An phước của anh đạt giải nhì.
Năm 2005 khi anh bắt đầu trồng mận An Phước cũng là lúc ruồi vàng đục trái gây hại ngày càng nhiều, lúc đầu cũng như bao nhiêu nông dân khác anh phun thuốc hóa học để bảo vệ trái mận nhưng chỉ sau 2 vụ trái thì anh nhận thấy rằng nếu cứ tiếp tục phun thuốc hóa học thì chính bản thân mình và gia đình là người trực tiếp chịu ảnh hưởng đến sức khỏe do việc phun thuốc hóa học, kế đến là người tiêu dùng sản phẩm của mình vì lượng thuốc hóa học sẽ còn tồn dư trong trái mận và nếu để cây cho trái trong mùa thuận thì bán giá không cao.
Từ đó anh luôn theo dõi thông tin trên báo, đài, đi nhiều nơi học kinh nghiệm quản lý ruồi đục trái để bảo vệ trái mận mà không cần phun thuốc, cuối cùng anh đã chọn biện pháp quản lý phù hợp với điều kiện canh tác và hiệu quả đó là bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, không phun thuốc hóa học trong giai đoạn cây mang trái, dùng bao ni lon để bao trái mận với cách làm cụ thể như sau:
Với diện tích gần 4.000 m2, trồng khoảng 350 gốc mận, lúc mới trồng đắp mô cao 0,4m, rộng 0,5m, trồng với khoảng cách 4 x 4m, trồng nanh sấu, trong năm đầu bón phân NPK + Nitrabor 4 lần/năm, mỗi lần bón từ 15 – 20 kg; Năm thứ 2 cây bắt đầu cho trái lượng phân bón tăng dần.
Khi cây được 3 năm tuổi khống chế chiều cao, khoảng 3,5 – 4m trở lại để dễ chăm sóc và thu hoạch; để cây ra hoa theo ý muốn sau khi thu hoạch 15 – 20 ngày bón 75 kg Nitrabor + 150 kg NPK 20 – 20 -15 + phân hữu cơ vi sinh; sau 2 tháng bón 150 kg Super Lân để tạo mầm hoa, tiến hành tỉa bỏ những chồi, nhánh vô hiệu;
Sau khi bón phân khoảng 1 tuần cạo lớp da mỏng ở phần gốc, sau khi cạo 2 ngày pha dung dịch Paclo 10SC + vôi (liều lượng 1kg Paclo 10SC + 2kg vôi sò pha với 5 lít nước) để quét vào gốc, sau khi quét khoảng 10 ngày phun phân bón lá 10 – 60 – 10, phun liên tục 3 lần mỗi lần cách nhau 1 tuần, sau 45 – 60 ngày cây ra hoa.
Khi hoa nhú ra khoảng 5mm phun Baypholan, khi hoa nhú bằng đầu đũa phun thuốc để trừ sâu ăn bông; khi hoa nở vừa rụn nhụy tiến hành bao trái, anh dùng bao nilon rỗng đáy để bao và dùng dây thun (khoanh nhỏ) để giữ bao nơi cuống trái, nhằm giữ được nhiệt độ, ẩm độ trong bao như môi trường bình thường và khi trái rụng sinh lý không đọng lại trong bao giúp hạn chế nấm bệnh tấn công.
Đồng thời bón 75 kg Nitrabor + 150 kg NPK 20 – 20 – 15 + Canxi Nitrat để nuôi trái; Sau khi bao trái làm giá đỡ và dùng dây ni lon treo nhánh để tránh gãy nhánh rụng trái.
Để tránh thiếu công lao động bao trái, thường anh Giản xử lý ra hoa làm 2 đợt mỗi đợt cách nhau 15 – 20 ngày, mỗi năm chi phí cho công lao động bao trái khoảng 6 – 7 triệu đồng, tiền mua bao ni lon khoảng 12 – 14 triệu đồng (sử dụng được 2 năm);
Tổng chi phí đầu tư bình quân mỗi năm khoảng 30 – 35 triệu đồng/3.800m2;
Năng suất bình quân 25 tấn giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, năng suất cao hơn so với không bao trái 20 – 30%; giá bán cao hơn trái không bao 1.000 đồng/kg.
Như vậy sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm lãi khoảng 160 triệu đồng trên diện tích gần 4.000 m2.
Từ những kết quả trên anh sẳn sàng hướng dẫn giúp đỡ cho những người xung quanh để sản xuất đạt hiệu quả như anh, nhưng điều mà anh phấn khởi nhất là hạn chế ô nhiễm môi trường, sản xuất được sản phẩm sạch góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.