Thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích đưa công nghệ cao vào sản xuất, ở Nghệ An đã xuất hiện một số mô hình trồng dưa lưới Nhật bản trong nhà màng.
Anh Hướng trong vườn dưa lưới
Dù đầu tư ban đầu lớn nhưng mô hình này có nhiều ưu việt, hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Cử nhân về quê trồng dưa
Sau khi tốt nghiệp đại học nông nghiệp, thay vì tìm cơ hội việc làm ở các cơ quan nhà nước, các công ty, doanh nghiệp, anh Hoàng Văn Hướng ở xóm 7 xã Diễn Thành đã quyết định về quê đầu tư trồng dưa lưới trong nhà màng. Đầu tiên, anh được UBND huyện Diễn Châu mời đi tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại các tỉnh phía Nam.
Trở về, anh vay vốn đầu tư gần 500 triệu đồng, xây dựng hệ thống nhà màng bằng sắt thép, giàn khung có thể chịu lực 25 tấn dây và trái treo trên cáp, bao quanh là cước tấm mỏng, phía trên được che bằng nilon loại đặc biệt, tổng diện tích 1.000m2. Phía trong có hệ thống cáp treo dây, hệ thống điều khiển tự động lưới cắt nắng, công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, hệ thống điều hòa không khí… Việc bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt hoàn toàn tự động, dẫn đến tận gốc.
Bước đầu anh đưa vào trồng 3.000 cây dưa lưới Nhật Bản.
Sau 70 ngày gieo trồng, đến nay mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của anh Hướng đã cho thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm, anh Hướng đóng thùng, gửi ra tiêu thụ tại Hà Nội với giá 45 – 50 nghìn đồng/kg. Với 3.000 cây dưa lưới, anh Hướng thu về gần 4 tấn quả, trừ mọi chi phí chủ vườn thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Theo anh Hướng, việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại).
Điều quan trọng là sản phẩm làm ra đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng bù lại năng suất, chất lượng vượt trội, được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư nhanh. Mặt khác, thời gian sinh trưởng của dưa tương đối ngắn từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 55 -70 ngày nên có thể trồng được từ 3 – 4 vụ/năm.
Anh Hướng cho biết thêm: “Để chủ động trong việc tưới, tiêu nước, tiết kiệm diện tích và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây dưa, sau vụ đầu tiên, tôi sẽ không trồng dưa lưới trên đất nữa mà trồng trên giá thể. Khi điều kiện cho phép tôi sẽ mở rộng diện tích. Trồng dưa lưới công nghệ cao tuy đầu tư ban đầu lớn nhưng giúp chủ vườn chủ động được trong việc chăm sóc, cách ly được sâu bệnh, đảm bảo năng suất. Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp bền vững”.
Dưa lưới công nghệ chuẩn
Từ thành phố Hồ Chí Minh, ông Trương Văn Hòa, quê ở xóm 2, xã Hội Sơn (Anh Sơn) khiến mọi người bất ngờ khi quyết định về quê trồng dưa lưới. Càng bất ngờ hơn khi ông bỏ ra trên 1 tỷ đồng, cải tạo khu vườn tạp có địa hình dốc thành bậc thang 2 cấp và xây dựng 2 khu nhà màng với diện tích gần 2000 m2; giàn khung bằng thép có thể chịu lực 5 – 6 tấn dây và trái treo trên cáp cho mỗi khu nhà màng.
Toàn bộ hạt giống được ông gieo trên giá thể đựng xơ dừa, hệ thống nước tưới hoàn toàn tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel. Theo ông Hòa, trồng dưa trên giá thể hoàn toàn không cần đất và có thể trồng được trên nhiều địa hình khác nhau, tiết kiệm được diện tích.
Xơ dừa dùng làm giá thể cho cây dưa tại vườn dưa ông Hòa
Hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel hoàn toàn tự động
Điều đáng ngạc nhiên là 100% gốc dưa đều có quả và có thể điều chỉnh được số lượng, trọng lượng quả. Nhiều cây cho số lượng 2 – 3 quả nhưng để đảm bảo trọng lượng và chất lượng quả dưa, chủ vườn chỉ để 1 quả/cây.
Theo tính toán của ông Hòa, từ lúc trồng cho đến thu hoạch khoảng 60 – 70 ngày. Tổng 2 nhà màng mùa này ông thu về 5.000 quả. Tổng sản lượng vụ đầu tiên thu được khoảng 7 tấn dưa. Toàn bộ số dưa này, theo ông Hòa đã được một số đại lý rau quả sạch tại Hà Nội, thành phố Vinh thu mua ngay tại vườn với giá 45.000 đồng/kg.
Ông Hòa cho biết thêm: “Dưa là cây chịu nắng, mùa thu không phù hợp với dưa nên sau vụ này tôi sẽ trồng ớt, cà chua và rau sạch trong nhà màng. Đầu ra cho rau, quả sạch hiện nay, nếu tìm đúng hướng đi thì sẽ không phải là điều đáng lo lắng. Dự tính trong vài năm tới, tôi sẽ mở rộng diện tích dưa lưới lên 5.000m2”.
Vườn dưa lưới bắt mắt, chất lượng cao của ông Hòa
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Nhằm khuyến khích việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Diễn Châu cũng có những chính sách nhất định. Trước khi thực hiện mô hình của anh Hoàng Văn Hướng, chúng tôi đã cho chủ vườn và một số hộ dân đi tham quan ở miền Nam. Trước mắt chúng tôi đang xem xét để hỗ trợ và khuyến khích mở rộng mô hình”.