Trong những năm gần đây Cty Syngenta đã nhập nội và trồng thử nghiệm thành công một giống dưa hấu không hạt có tên Mặt trời đỏ với nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống dưa có hạt khác, đưa lại lợi nhuận rất cao cho người trồng, đặc biệt là nông dân nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.
Hiện giống Mặt trời đỏ cũng đang được Syngenta Việt Nam trồng thử nghiệm ở một số tỉnh phía Bắc nhằm tiến tới thay thế dần các giống dưa hấu cũ năng suất, chất lượng thấp. Giống do Cty CP BVTV An Giang độc quyền phân phối tại Việt Nam.
Đặc điểm giống dưa hấu không hạt Mặt trời đỏ: Đây là giống dưa lai F1 nên sức sinh trưởng khỏe, thời gian ngắn (mùa nắng 60 – 62 ngày, mùa mưa 65 – 67 ngày); chống chịu bệnh khá, đặc biệt là bệnh thán thư, dễ đậu quả, quả to (trung bình 3 – 5 kg, năng suất cao 20 – 25 tấn/ha, một số hộ canh tác giỏi ở Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang đã đạt tới 50 tấn/ha (cao hơn giống Hắc mỹ nhân từ 20 – 30%); độ đồng đều cao (mỗi cây chỉ nên lấy 1 quả). Quả dạng hình ô van, da xanh nhạt có sọc xanh, mỏng vỏ, ruột đỏ, không hạt; ăn ngọt, độ đường 13 – 14%.
Tổng kết các mô hình ở vùng ĐBSCL của Cty Syngenta Việt Nam cho thấy: Bình quân mỗi ha dưa hấu không hạt cho lợi nhuận từ 23 – 25 triệu đồng, cao hơn các giống dưa có hạt từ 6 – 10 triệu đồng, được thị trường ưa chuộng. Với nhiều ưu thế về sức sinh trưởng, chất lượng quả, thích nghi với nhiều loại đất, khả năng kháng bệnh tốt hơn các giống dưa có hạt khác, đặc biệt là bệnh thán thư và nứt thân; có thể trồng được nhiều vụ trong năm, giống dưa hấu không hạt đã được nông dân nhiều nơi chọn trồng đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất, theo khuyến cáo của Cty Syngenta Việt Nam và trường ĐH Cần Thơ, ngoài các biện pháp kỹ thuật trồng dưa hấu thông thường như làm đất, gieo hạt, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh… bà con cần đặc biệt chú ý một số khâu kỹ thuật cải tiến sau đây:
– Với kỹ thuật trồng dưa cải tiến nên làm liếp hẹp để trồng hàng đơn (mặt liếp rộng 3 – 3,5 m, trồng 1 hàng, cây cách cây 45 – 50 cm) so với liếp rộng (4,8 – 5 m trồng 2 hàng 2 bên, cây cách nhau 40 cm cho bò vào ở giữ mặt liếp) theo phương pháp cũ, đảm bảo mật độ vẫn đạt từ 800 – 900 cây/1.000 m2 hoặc 300 cây/sào Bắc bộ nhưng cây sinh trưởng khỏe hơn, cho quả to và đều hơn.
– Bón lót (tính cho 1.000 m2): 5 – 10 m3 phân chuồng, phân hữu cơ + 50 kg NPK loại 20-20-15 (mùa mưa dùng loại 16-16-8), nếu đất chua, phèn bón thêm 50 – 70 kg vôi bột. Dùng Gramoxne để trừ cỏ dại trước khi trải bạt.
– Ngâm ủ hạt giống cho nứt nanh rồi đem gieo trong túi bầu, khi cây có 2 lá thật thì đem trồng. Trồng xen thêm 4 – 5% giống dưa hấu có hạt để lấy phấn đực thụ phấn bổ sung sau này mới cho tỷ lệ đậu quả cao.
– Sau trồng 15 ngày (cây có 5 – 6 lá) thì bấm ngọn, tỉa bỏ các nhánh phụ chỉ giữ lại 2 nhánh phụ khỏe nhất cho bò song song vuông góc với mặt luống. Khác với dưa có hạt khi trồng giống dưa không hạt nhất thiết bà con phải thụ phấn bổ sung thì cây mới đậu trái.
Khi cây ra nụ cái thứ 3 trên thân chính hoặc nụ cái thứ 2 trên nhánh phụ thì tiến hành thụ phấn bổ sung bằng cách dùng hoa đực úp vào nhị hoa cái vào những hôm nắng ráo từ khoảng 6 – 8 giờ (mùa hè) hoặc 7 – 9 giờ (mùa thu – đông). Thời gian thụ phấn bổ sung thường kéo dài khoảng 5 – 6 ngày. Trên mỗi cây chỉ nên tuyển lấy 1 trái, trường hợp không đậu trái trên thân chính thì mới lấy trái trên nhánh phụ sẽ cho độ đồng đều cao, cho năng suất và chất lượng dưa tốt nhất.
– Bón thúc lần 1 sau trồng 15 ngày: 25 – 30 kg NPK 20-20-15 + 5 kg kali; thúc lần 2 sau trồng 30 – 35 ngày: 20 – 25 kg NPK 20-20-15 + 5-7 kg kali; thúc lần 3, 4 và 5 sau trồng 45 – 50 ngày bằng cách hòa 3 – 4 kg NPK để tưới/1 lần, tưới 3 – 4 lần cách nhau 3 ngày.
Có thể phun hoặc tưới nitrat kali (KNO3) hoặc phun thêm các loại phân vi lượng 2 – 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 – 3 ngày nhằm tăng độ đường cho quả. Tuyệt đối không được bón nhiều đạm hoặc sử dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng vào giai đoạn nuôi quả lớn làm nứt quả, giảm chất lượng quả.