Trước đây, đu đủ được coi là loại cây trồng của người nghèo vì giá trị kinh tế không cao. Thời gian gần đây, nhờ ứng dụng những khoa học công nghệ trong trồng trọt như chọn giống tốt, áp dụng quy trình canh tác và đặc biệt là xác định thời điểm xuống giống thích hợp, trồng đu đủ đã mang lại lợi nhuận cao.
Anh Bùi Phúc Hải, ở ấp 3 xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc – Bà Rịa – Vũng Tàu) là bộ đội xuất ngũ, gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà thiếu trước hụt sau. Sau khi tận mắt chứng kiến kết quả trồng đu đủ Thái Lan ruột vàng của ông Hai Thiều (ấp 5, xã Hòa Hội) anh học cách làm theo. Nhà chỉ có 0,3 ha đất trồng mãng cầu, tuy nhiên do vườn cây già cỗi, năng suất thấp nên anh Hải quyết định chuyển sang trồng đu đủ, bởi vốn đầu tư thấp lại nhanh cho thu hoạch. Nhưng anh Hải lại có cách nghĩ khác: Nếu ồ ạt xuống giống như những người khác thì sản phẩm làm ra sẽ bị dội chợ nên anh quyết định trồng trái vụ.
So với cách làm thông thường như mọi người là xuống giống vào tháng 5 dương lịch (DL) khi mùa mưa đến, anh Hải lại chọn xuống giống từ tháng 10 bởi anh nghĩ đơn giản: vườn đã có sẵn giếng và hệ thống tưới phun nên không lo thiếu nước, hơn nữa nếu xuống giống vào tháng 10 là lúc mùa nắng nên nhiều người ngại nước tưới, chỉ có số ít những người đủ nước thì mới làm được. Bên cạnh đó, đu đủ Thái Lan ruột vàng chỉ sau 8 – 9 tháng sẽ cho thu hoạch, tức là trồng vào tháng 10 DL thì thu hoạch vào tháng 6 – 7 năm sau, và gói gọn thu hoạch chỉ trong 3 – 4 tháng là hết trái. Thời điểm cây đu đủ đang nuôi trái vào mùa mưa sẽ không tốn chi phí tưới và giá bán vào thời điểm này cao.
Đến nay vườn đu đủ của anh Hải đã thu hoạch được 1 tháng, diện tích chỉ có 0,3 ha nhưng thương lái vào định giá mua “mão” đến 200 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Hải quyết định giữ lại để tự thu hái bán với giá tại vườn là 5.500 đ/kg. Theo tính toán của anh, việc tự thu hái bán sẽ tăng thu được 50 triệu đồng. Loại đu đủ Thái ruột vàng thường chỉ thu hoạch 1 vụ, không chăm sóc để khai thác vụ tiếp theo vì cây mất sức, dễ bệnh và giá bán không cao.
Anh Hải cho biết, ngoài việc chọn thời điểm xuống giống thích hợp thì cần chọn đúng giống đu đủ Thái Lan ruột vàng, bởi hiện nay trên thị trường rất nhiều giống đu đủ, có nơi bán hạt, có nơi ươm sẵn cây con, nếu mua cây con rất khó kiểm soát nguồn giống và dễ bị thất bại, do người bán lấy giống từ trái Thái Lan ruột vàng thương phẩm gieo lại (giống đu đủ Thái Lan ruột vàng F1 không được để giống lại vụ sau). Nếu mua nhầm giống, cây sẽ bị sâu bệnh, năng suất thấp. Theo kinh nghiệm của anh Hải, đu đủ cũng là loại cây khó tính, có nhiều sâu bệnh tấn công. Vì vậy, việc chăm sóc phải tuân thủ nghiêm ngặt đúng quy trình kỹ thuật. Muốn bán giá cao, trái đu đủ phải có trọng lượng từ 1,2 – 2 kg, trọng lượng nhỏ khó tiêu thụ.
Ông Hai Thiều ở ấp 5, xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) là người mở đầu cho việc trồng đu đủ ruột vàng tại Hòa Hội. Cách đây gần 2 năm, trong một lần về quê ở Long An thấy nhiều người trồng đu đủ ruột vàng Thái Lan có hiệu quả cao, ông Thiều đã mày mò học hỏi kinh nghiệm. Ngay sau khi quay lại Xuyên Mộc ông đã cải tạo đất vườn quýt để trồng đu đủ. Kết quả bất ngờ, vườn đu đủ nhà ông phát triển rất tốt. Sau 9 tháng trồng, đu đủ đã cho thu hoạch, Với gần 1 ha đu đủ, năm 2009 gia đình ông Thiều thu nhập hơn 300 triệu đồng.