Theo quốc lộ 60, đến ngã tư Tân Long thuộc địa phận xã Tân Thành Bình huyện Mỏ Cày Bắc hướng về cầu Hàm Luông, rẽ phải 1km hỏi thăm nhà ông Nguyễn Văn Sốt (Chú ba Sốt) ngụ ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, là một nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng bưởi mà mọi người dân địa phương ai cũng đều biết đến. Khi chúng tôi đến nơi, trước mặt tôi là một ngôi nhà tường khá khang trang, rộng rãi, xung quanh vườn nhà được bao phủ bởi một màu xanh mướt của vườn bưởi Da xanh là loại trái cây đặc sản của vùng đất quê hương Đồng Khởi.
Chúng tôi được chú Ba mời vào nhà, qua những tách nước trà, nhìn gương mặt sạm nắng và những nụ cười khả ái tôi cũng nhận được chú Ba khoảng 60 tuổi là một nông dân chịu khó và đầy nghị lực. Qua trao đổi trò chuyện, chú Ba cho biết diện tích vườn đang canh tác 3.500m2, cách đây 8 năm chú trồng bưởi Năm roi nhưng hiệu quả không cao, năng suất thấp, sâu bệnh tấn công nhiều. Đến năm 2005 chú ba quyết định đốn bỏ vườn bưởi Năm roi, cải tạo đất sửa sang bờ liếp để trồng bưởi Da xanh, chú Ba cho biết theo kinh nghiệm nhiều năm trồng bưởi và được học hỏi nhiều nơi thấy bưởi Da xanh thích nghi với điều kiện ở Bến Tre hơn so với các giống bưởi khác.
Sau khi cải tạo lại mảnh vườn, chú trồng được 400 gốc bưởi Da xanh đến nay được 4 năm tuổi và đang cho thu hoạch trái ổn định. Theo chú Ba kỹ thuật trồng bưởi Da xanh nền hữu cơ không khó lắm, đòi hỏi cần phải có nhiều thời gian chăm sóc thì mới đạt theo ý muốn. Thật vậy, khi chúng tôi được chú Ba mời tham quan khu vườn tôi nhận thấy khu vườn nhà chú được cải tạo khá đẹp, mật độ cây trồng khá đồng đều, nền đất vừa được xới nhẹ để bón phân, chú Ba nói thêm: bón phân cho bưởi chủ yếu là phân hữu cơ Komix chuyên dùng cho cây ăn trái, mỗi năm chú bón từ 600 – 700 kg chia làm 3 đến 4 lần bón, trước khi bón dùng cào xới nhẹ đất, bón phân tưới nước cho cây dễ hấp thu, chú rất ít bón phân hóa học chỉ bổ sung phân Lân và Kali cho rễ phát triển và tăng độ ngọt cho trái. Quan sát chúng tôi thấy mỗi cây bưởi đều xanh tốt mang từ 10 đến 12 trái được bao lại bằng một loại bao trái riêng biệt để bảo vệ trái trong thời kỳ phát triển.
Khi chúng tôi hỏi về sâu bệnh gây hại chú ba cho biết từ khi trồng bưởi Da xanh đến nay hoàn toàn không phun xịt thuốc, chủ yếu là bón phân hữu cơ, tỉa cành hợp lý và nuôi kiến vàng nên sâu bệnh gây hại không đáng kể.
Nói về hiệu quả hiện nay mỗi cây chú Ba thu được trung bình 10 đến 20 kg/năm, giá bán tại vườn từ 15.000 đồng đến 25.000 đồng /kg, có lúc lên đến 30.000/kg. Như vậy ước tính mỗi năm chú thu được 120 đến 150 triệu đồng đã trừ chi phí và công lao động.
Ngoài việc lao động ra hàng năm chú còn ủng hộ quà cho các hộ nghèo, khó khăn trong xã, hỗ trợ tiền xây dựng nhà tình thương, cầu đường nông thôn, chú được nhận khá nhiều bằng khen của huyện, tỉnh về nông dân sản xuất giỏi và được vinh dự báo cáo điển hình nông dân sáng tạo tại ngày hội trái ngon an toàn do tỉnh tổ chức ở huyện Chợ Lách tháng 6 năm 2010 vừa qua.
Qua bài viết này tôi nhận thấy, mô hình trồng bưởi Da xanh theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Sốt cần được học tập và nhân rộng, không chỉ vậy mà chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa quy hoạch vùng sản xuất bưởi hướng hữu cơ, từ nền tản đó chú Ba và nông dân trong khu vực có thể đăng ký sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đưa hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho huyện nhà./.