Site icon Kiến Thức Nhà Nông

Trồng Bưởi da xanh nhờ phân chuồng có ủ chế phẩm sinh học Trichoderma-Đại học Cần Thơ

Ông Nguyễn Văn Hồng Vân ở ấp 4, xã Bình Hoà, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Liên tục 2 năm liền 2009-2010, Bưởi da xanh của ông đã đạt giải hạng 2 Hội thi trái ngon ở Chợ Lách – Bến Tre, đạt giải hạng 3 ở Suối tiên – Thành Phố Hồ Chí Minh năm 2010.

Ông cho biết thành công như vậy là nhờ: Một là do thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mở, phù sa bồi đắp hằng năm; hai là do cây giống tốt, sạch bệnh; ba là nhờ sử dụng chế phẩm Trichoderma-Đại học Cần Thơ ủ với phân hữu cơ (phân bò, lá dừa ngâm nước 01 tháng, rác,…), ông không sử dụng mụn dừa vì mụn dừa dễ có nguồn nấm bệnh Phytophthora sp.

Cách ông sử dụng cụ thể như sau:

Cây sau khi thu hoạch xong ông tỉa bỏ đi những cành già cỗi, những cành sâu bệnh,…sau đó ông bón cho mỗi gốc bưởi 30 – 50 kg phân chuồng, có ủ với nấm Trichoderma-Đại học Cần Thơ + 1000 gr NPK ( 20 – 20 – 15), số lượng phân bón tuỳ theo tuổi cây, tuỳ theo số trái thu hoạch trên một cây.

Cây sau khi ra hoa kết trái khoảng 1,5 tháng Ông tiếp tục bón cho mỗi gốc bưởi 30 – 50 kg phân chuồng có ủ với nấm Trichoderma-Đại học Cần Thơ + 500 gr NPK (20 – 20 – 15 ) + 1 bao tro trấu (15 kg), số lượng phân bón tuỳ theo tuổi cây, tuỳ theo số trái trên một cây. Đối với những cây, nhánh bưởi có nhiều trái nên tỉa bớt, có như vậy cây không mất sức và kéo dài tuổi thọ.

Trước thu hoạch khoảng 01 tháng ông bón cho mỗi gốc bưởi thêm 01 bao tro trấu với 500 gr NPK ( 20 – 20 – 15).

Vườn bưởi của Ông chưa từng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, với khoảng 200 gốc Bưởi da xanh trên 5000m2 đất chuyên canh bưởi, trong đó có 130 gốc đang ở giai đoạn chăm sóc và 70 gốc đang cho trái trong đó có những gốc bưởi khoảng 12 năm tuổi. Mỗi gốc trung bình cho khoảng 130 – 150 trái, mỗi trái khoảng 1,5 – 2,5 kg với giá bán khoảng 25.000 đ/kg được thương lái đến tại nhà mua, sau khi trừ chi phí  mỗi năm ông thu khoảng 100 triệu đồng.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ kết hợp chế phẩm sinh học Trichoderma đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân. Cần nhân rộng mô hình này trong sản xuất bưởi theo hướng an tòan.