Bệnh gây các triệu chứng và bệnh tích lâm sàng tương tự như bệnh Lở mồm long móng trên gia súc với sự xuất hiện các bọng nước ở mõm, lưỡi, khoảng giữa ngón và nơi tiếp giáp với móng gia súc. Bệnh có thể lây lan nhanh trong đàn, gia súc có biểu hiện số cao nhưng tỷ lệ gia súc tử vong không đáng kể.
Bệnh chỉ xảy ra trên heo ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện những ổ dịch lẻ tẻ hay địa phương, hiếm khi phát triển thành dịch lớn. Đây chính là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với bệnh Lở mồm long móng trên gia súc.
Là bệnh do virus, có thể truyền lây cho người trực tiếp tiếp xúc với gia súc mắc bệnh.
1. Cách sinh bệnh:
– Trên gia súc mắc bệnh nặng, virus thường hiện diện ở hầu hết ở các cơ quan nội tạng, các chất tiết, đặc biệt các bọng nước, phân và nước tiểu là những nơi có chứa nhiều virus nhất. Mầm bệnh cũng có thể tồn tại và lây lan qua các quầy thịt có nguồn gốc từ heo bệnh và các gia súc đang phục hồi sau khi khỏi bệnh.
– Heo khỏe có thể bị lây nhiễm bệnh trực tiếp từ heo bệnh qua đường tiêu hóa, đường da ở những vị trí da bị thương tổn. Qua nhiều thí nghiệm cho thấy, sự lây lan bệnh bọng nước heo qua đường hô hấp hầu như không đáng kể. Đây chính là nguyên nhân làm hạn chế việc phát tán mầm bệnh tạo thành những ổ dịch trên diện rộng (khác với bệnh Lở mồm long móng).
2. Triệu chứng:
Tùy mức độ heo bị cảm nhiễm, bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng ở các mức độ khác nhau:
– Thể nặng: Xuất hiện các triệu chứng tương tự như ở bệnh Lở mồm long móng. Sau 1 – 2 ngày nung bệnh, gia súc có các biểu hiện: sốt cao (40 – 41oC), yếu chân thường đi bằng đầu gối. Gia súc ăn không ngon (do xuất hiện bệnh tích ở lưỡi và mõm), xuất hiện các bọng nước ở vùng quanh miệng, vành móng chân, bàn chân. Sau đó, khi bọng nước vỡ để lại những vết lở có thể gây nhiễm trùng cho gia súc, nếu nặng gia súc có thể chết.
– Thể nhẹ: Thường chỉ xuất hiện ở heo trên 3 tháng tuổi. Thời gian nung bệnh từ 3 – 7 ngày, có khi kéo dài lâu hơn. Trong trường hợp này chỉ thấy xuất hiện các bọng nước ở chân, mũi, miệng. Các triệu chứng khác xuất hiện không rõ rệt.
– Thể ẩn: Thường chỉ gặp trên heo nái, không phát hiện triệu chứng lâm sàng. Tuy nhiên, đây chính là nguồn lây nhiễm, làm phát tán mầm bệnh lây cho các heo khỏe mạnh trong cùng khu vực chăn nuôi. Mầm bệnh từ heo mẹ có thể lây nhiễm trực tiếp trên đàn heo con trong thời gian theo mẹ.
3. Biện pháp phòng trị:
Đối với bệnh bọng nước trên heo, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Người chăn nuôi có thể phòng bệnh cho đàn heo bằng biện pháp đảm bảo vệ sinh sát trùng chuồng trại; Sử dụng vaccin vô hoạt B propiolacton, liều 2 ml/con.