Nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
Theo Cục Thú y – Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng năm 2013, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi nước lợ xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 4-8. Nguyên nhân do khoảng thời gian này là mùa nuôi tôm chính vụ. Dịch xuất hiện ở hầu hết ở các vùng trọng điểm nuôi tôm.
Trong đó, các vùng nuôi tôm tại ĐBSCL bị thiệt hại nặng nhất. Dịch xuất hiện trên cả hai đối tượng nuôi chính là tôm chân trắng và tôm sú dưới 35 ngày thả nuôi. Năm nay, dịch hoại tử gan tụy cấp tính xuất hiện sớm (khoảng một tháng) do người nuôi thả tôm sớm hơn.
10 tháng đầu năm, dịch đã xuất hiện tại 192 xã của 57 huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố, gây thiệt hại cho 5.705 ha nuôi tôm, trong đó có 2.423 ha nuôi tôm chân trắng và 3.282 ha nuôi tôm sú. Dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính xảy ra ở nhiều địa phương hơn nhưng tổng diện tích bị bệnh giảm chỉ bằng 1/5 so với năm ngoái.
Nếu so sánh về tốc độ lây lan thì bệnh hoại tử gan tụy cấp tính không lây nhanh và mạnh như bệnh đốm trắng. Dịch đốm trắng xuất hiện ở hầu hết các tháng trong năm, nhưng tập trung chủ yếu vào các tháng 4-7. Dịch xuất hiện ở hầu hết ở các vùng trọng điểm nuôi tôm và ĐBSCL là vùng bị thiệt hại nặng nhất. Mức độ dịch trong năm 2013 tại các tỉnh này trầm trọng hơn năm 2012. 10 tháng đầu năm, số xã và tổng diện tích có dịch tăng cao (số xã gấp 2,4 lần và tổng diện tích gấp 1,5 lần so với năm 2012).
Dịch bệnh đốm trắng năm nay tăng hơn so với năm 2012, đã xuất hiện tại 278 xã của 93 huyện thuộc 28 tỉnh, thành phố với cả hai đối tượng tôm chân trắng và tôm sú. Tổng diện tích tôm chân trắng và tôm sú nhiễm bệnh là 12.142 ha. So với 10 tháng đầu năm 2012, dịch bệnh đốm trắng tăng 4.085 ha.
Đối với tôm hùm, các laoij bệnh chủ yếu là: bệnh sữa, đen mang, đỏ thân và gần đây xuất hiện bệnh mới làm tôm bị rụng chân. Tại Phú Yên, khoảng 15% số lồng có tôm bị bệnh; Bình Định khoảng 3,5% số lồng và Khánh Hòa có khoảng 11% số lồng tôm bị bệnh.
Riêng tại Khánh Hòa, từ tháng 7/2012 đến nay, tôm hùm bị bệnh với các dấu hiệu lạ như: thối chân, rụng chân (chân tôm ban đầu sưng to rồi hoại tử); quan sát bằng mắt thường thấy có rất nhiều vi sinh vật ký sinh. Số lượng tôm bị bệnh nhiều vào các tháng 5-6/2013, với số lượng từ 5-15 tôm bệnh/lồng (mật độ nuôi mỗi lồng là 70-80 con). Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã giảm và ổn định hơn (tỷ lệ lồng có tôm bị bệnh chưa tới 10% với số lượng từ 1-2 tôm bệnh/lồng).
Kết quả phân tích xét nghiệm ban đầu cho thấy sự xuất hiện nhiều tác nhân như như nấmFusarium sp; nhiễm Vibrio trong các cơ quan nội tạng (gan tụy) với 2 loài chủ yếu là Vibrio alginolyticus và Vibrio Vulnificus, ký sinh trùng thuộc ngành trùng lông bơi Ciliphora. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, Cục Thú y đã chỉ đạo Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và Cơ quan Thú y vùng VI lấy mẫu xét nghiệm trong nước, đồng thời gửi mẫu đi nước ngoài để phân tích tìm nguyên nhân gây bệnh.
Ngoài các bệnh trên, trong 10 tháng đầu năm, tôm còn mắc phải một số bệnh như bệnh đầu vàng (YHD) – 18 ha, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) – 786 ha, bệnh phân trắng – 15 ha, và một số bệnh khác (đen mang, đỏ thân, ký sinh trùng…) – 42 ha, chết do môi trường – 10.564 ha. Nhìn chung, dịch bệnh trên tôm trong 10 tháng đầu năm 2013, tuy có xảy ra ở nhiều địa phương hơn, nhưng tổng diện tích bị bệnh chỉ bằng khoảng 53,62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hộ nuôi tôm đã đầu tư thỏa đáng theo hướng thâm canh, công nghiệp, do đó dễ dàng quản lý và xử lý môi trường cũng như xử lý các chất thải trong quá trình nuôi. Nhiều người nuôi đã có ý thức phòng chống dịch bệnh, sử dụng con giống, thuốc thú y, thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản.
Để phòng tránh tốt nhất, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong năm 2013-2014.
Bên cạnh đó, Cục Thú ý đang triển khai chương trình giám sát bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng trên tôm tại các tỉnh Thái Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; Tập trung hoàn thiện Dự thảo Thông tư qui định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi; Xây dựng Dự thảo Thông tư quy định phòng chống dịch bệnh trên tôm hùm. Trong năm 2013, Cục cũng đã tranh thủ kịp thời sự hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức quốc tế OIE, FAO, NACA và Trường Đại học Arizona của Hoa Kỳ. Nhờ đó, đã xác định được tác nhân gây bệnh Hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm (EMS/AHPNS), sẵn sàng cho công tác ứng phó trong vụ nuôi mới.
Về phía Tổng cục Thủy sản, ngay từ các tháng đầu năm, Tổng cục đã chỉ đạo quyết liệt việc nghiên cứu nguyên nhân gây bệnh, thường xuyên phổ biến tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức của các hộ nuôi về các loại dịch bệnh trên tôm và các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại;
Tăng cường giám sát cơ sở tại các tỉnh trọng điểm về sản xuất giống và nuôi tôm. Cụ thể là: đã phối hợp với các Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất giống tôm sú và tôm chân trắng (tại 2 tỉnh trọng điểm Ninh Thuận và Bình Thuận), cơ sở sản xuất kinh doanh chế phẩm sinh học, cơ sở nuôi tôm nước lợ (tại các tỉnh trọng điểm như Sóc trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre và Cà Mau), kiểm tra tình hình thả giống và chuẩn bị điều kiện trước thả nuôi của các địa phương trên cả nước, đảm bảo các nội dung do Tổng cục chỉ đạo được thực hiện kịp thời, đúng yêu cầu tại các địa phương; tổ chức 02 đoàn kiểm tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản nhằm kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm.
Đã vào mùa mưa, vụ nuôi chính năm 2013 đã kết thúc. Tuy nhiên, mùa vụ nuôi tôm chính năm 2014 lại sắp sửa bắt đầu, trong khi công tác quản lý môi trường nước nuôi còn nhiều hạn chế, vẫn còn những bất cập trong công tác thú y thủy sản tại các địa phương, cùng với thời tiết thay đổi.
Cục Thú y dự đoán: dịch bệnh sẽ tiếp tục phát sinh mạnh khi diện tích nuôi tăng lên. Trước mắt, các địa phương cần khẩn trương lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh (đặc biệt là việc giám sát và dự báo dịch bệnh), lịch thả nuôi cho vụ nuôi tiếp theo nhằm đảm bảo chủ động, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Bên cạnh đó, triển khai việc hướng dẫn người nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên tôm cũng như kỹ thuật nuôi tôm, xử lý ao nuôi trước vụ nuôi mới. Tăng cường công tác tập huấn tuyên truyền cho người dân về bệnh, các quy định trong công tác phòng chống dịch nhằm tạo sự chủ động cho người dân khi dịch bệnh xảy ra.
Tags: phong chong dich benh, nuoi tom, nuoi thuy san