Thời điểm này, nông dân vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đang lấy nước mặn để cải tạo vuông thả tôm giống. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của người dân là lượng tôm giống sản xuất tại chỗ rất hạn chế, chất lượng chưa cao. Toàn vùng chỉ có 16 cơ sở sản xuất tôm sú giống quy mô nhỏ, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 100 triệu con, đáp ứng khoảng 3% nhu cầu tại địa phương. Vì vậy, nguồn tôm giống chủ yếu vẫn phải nhập từ các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và khu vực miền Trung.
Do nguồn tôm giống được nhập từ nhiều nơi nên không đồng đều, chất lượng kém, giá cả cũng rất khác nhau. Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Thuận Hòa, An Minh cho biết, thị trường tôm giống bây giờ rất bát nháo, giá nào cũng có, từ 20, 30 đồng đến hơn 100 đồng/con. Tôm nào cũng được giới thiệu là sạch bệnh, có kiểm dịch… Nhưng có khi thả nuôi chưa được 1 tháng đã chết sạch, nông dân lãnh đủ.
Theo ông Tâm, phần lớn nông dân đều ít vốn, ham rẻ nên thường chọn loại tôm giống giá rẻ để thả nuôi. Chính vì vậy mà nguồn tôm kém chất lượng vẫn được các thương lái nhập về bán tràn lan. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tôm nuôi bị dịch bệnh, chết hàng loạt thời gian qua.
Tại Cà Mau, địa phương nuôi tôm lớn nhất cả nước với diện tích chiếm hơn 260.000 ha, cũng đã làm mọi cách để có được nguồn tôm giống sạch đáp ứng nhu cầu, nhưng đến nay, người nuôi tôm vẫn rất rối trong việc chọn lựa con giống.
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, cho biết, toàn tỉnh mỗi năm cần đến gần 18 tỷ tôm giống. Tuy nhiên, nguồn cung ứng tại chỗ chỉ đáp ứng gần 50%, số còn lại phải nhập. “Chất lượng con giống tốt chiếm khoảng 60%, còn nguồn giống nhập tỉnh thì khó có thể kiểm soát được chất lượng”, ông Bằng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Vượng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bạc Liêu chia sẻ: “Bạc Liêu có gần 400 cơ sở sản xuất tôm giống, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 9 tỷ con, đáp ứng được hơn 40% nhu cầu của hộ nuôi tôm trên địa bàn”. Theo ông Vượng, sở dĩ số lượng tôm giống kém chất lượng còn lớn như vậy là do chỉ có khoảng 20% cơ sở sản xuất dám đầu tư quy mô, sử dụng nguồn tôm bố mẹ tốt. Trong khi các trại khác đầu tư không đáng kể nên cho ra con giống đủ kiểu chất lượng.
Các nhà quản lý đều khẳng định là khó có thể quản lý nguồn giống nhập vào địa phương với số lượng lớn, vì không thể kiểm tra được tại gốc, do như địa bàn rộng, giống nhập tỉnh bằng nhiều con đường khác nhau, lực lượng chuyên ngành mỏng… Tuy nhiên, ý thức của người nuôi cũng “góp phần” không nhỏ trong vấn nạn này. Rất nhiều người sẵn sàng mua nguồn giống trôi nổi, càng rẻ càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, nếu nguồn giống tốt thì tỷ lệ rủi ro chỉ khoảng 30%, nhưng đối với nguồn tôm giống trôi nổi thì tỷ lệ này lên đến hơn 70%. Nhưng dù biết thế, nhiều người nuôi vẫn chấp nhận rủi do vì giá cả chênh lệch tương đối lớn.
Hơn nữa, người nuôi cũng có cái lý của mình, bởi giống có chất lượng hay không thì họ đâu có thể biết được. Nên mua được càng nhiều con giống thả nuôi càng tốt. Ông Nguyễn Văn Đành (huyện Cái Nước, Cà Mau) nói, với những hộ ít vốn thì chuyện mua con giống phải đắn đo. Ví dụ với 5 triệu đồng mua giống bên ngoài được một trăm, thậm chí vài trăm ngàn con, trong khi ở các cơ sở uy tín chỉ mua được chưa đầy 50 ngàn con, nên bà con chắc chắn sẽ chọn lượng trước. Vì hy vọng số lượng tôm giống càng nhiều thì tỷ lệ sống sót càng cao.
Điểm yếu tâm lý này của bà con cộng với việc thanh, kiểm tra còn lỏng lẻo của các cơ quan quản lý đã tạo điều kiện để tôm giống kém chất lượng vẫn ùn ùn vào các vuông tôm mỗi vụ nuôi. Và là lý do vì sao dịch bệnh vẫn chưa thể chấm dứt.
Tags: tom giong kem chat luong, nuoi tom giong, nuoi trong thuy san