Đến thăm ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP HCM vào những ngày đầu tháng 10-2013, đập vào mắt chúng tôi là những ruộng rau húng lủi xanh ngắt. Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng rau hơn 3.000 m2, ông Bùi Tấn Nghĩa, một nông dân ở trong ấp, hớn hở khoe: “Cũng nhờ rau húng lủi mà nhiều người dân ở xã đã thoát nghèo, dư sức nuôi dạy con cái ăn học”. Ông Nghĩa là một trong những người khởi xướng phong trào trồng rau húng lủi trong xã.
Cơ duyên
Cũng như bao người dân khác ở xã Nhị Bình, trước đây ông Bùi Tấn Nghĩa sống bằng nghề trồng lúa. Thế nhưng, tốc độ công nghiệp hóa quá nhanh nên thanh niên địa phương thích làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp hơn bám ruộng đồng, chỉ còn người già vẫn giữ cái nghề truyền thống. Trồng lúa không đủ ăn, nông dân trong xã chuyển sang trồng rau cải nhưng đầu ra không ổn định, thu nhập vì thế bấp bênh.
Lần ghé thăm nhà một người bà con ở tỉnh Bình Dương cách đây 3 năm, ông Nghĩa rất ấn tượng với loại rau thân chồi mọc ngầm dưới đất, cọng to, lá xoăn và có mùi thơm đặc trưng. Hỏi xin một vài cây giống về trồng thử, ý định ban đầu của gia đình ông là chỉ để dùng trong nhà.
Thấy rau phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng và có thể thu hoạch quanh năm, ông Nghĩa quyết định mua thêm giống và mở rộng diện tích canh tác. Kinh nghiệm chưa có, ông Nghĩa chủ yếu học lóm từ người bà con. Vậy mà, ngay trong vụ đầu tiên, ông đã thành công, được thị trường chấp nhận. Theo ông Nghĩa, kỹ thuật trồng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất thu hoạch, do vậy đòi hỏi người trồng phải am hiểu đặc tính của rau và bỏ công chăm sóc.
“Húng lủi rất nhạy cảm với sự thay đổi của khí hậu, nhất là khi mưa kéo dài, dẫn tới làm dập lá, dư nước, lúc đó cây rau bị thối nhũn mà chết, không thể cứu chữa được. Mùa hạ, nắng nóng quá, nếu không chăm tưới nước, rau con có thể chết hàng loạt” – ông Nghĩa cho biết. Lứa đầu tiên phải chờ 45 ngày còn lứa sau phải chờ đến 50 ngày mới có thể thu hoạch nên nhiều người thấy chờ lâu quá rồi bỏ cuộc.
Giúp nhau thoát nghèo
Không ôm bí quyết cho riêng mình, ông Nghĩa luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và cây giống cho bà con trong ấp. Ông Thái Văn Cưng, một người dân cùng xã được ông Nghĩa hỗ trợ, nói: “Trồng loại rau này, chỉ cần chịu khó là thu nhập ổn định”.
Chỉ vào vườn rau húng lủi rộng 2.500 m2 , ông Cưng cho biết trước đây vốn trồng rau cải, công chăm sóc nhiều nhưng đầu ra không ổn định nên thu nhập từ việc trồng rau cải chẳng bao nhiêu. Thời gian đầu trống húng lủi, ông Cưng đã gặp thất bại khi rau chết hàng loạt. Thế nhưng, tin vào tiềm năng giúp thoát nghèo của loại rau này, ông Cưng vẫn kiên trì đeo đuổi.
Sau những thất bại, ông Cưng cũng rút ra nhiều kinh nghiệm quý. “Nắng nóng kéo dài, nếu tưới nước không đủ cũng làm rau dễ bị đen và còi cọc dần. Lúc này, có thể cắt bỏ hết thân lá bị đen, kiểm tra độ ẩm và bón thêm ít phân trùn quế, sau 15-20 ngày sẽ thấy đâm ra những cây rau non mới” – ông Cưng cho biết.
Đặc điểm nổi bật của rau húng lủi ở xã Nhị Bình là có cọng to, lá xoăn và có mùi thơm đặc trưng hơn các địa phương khác như huyện Bình Chánh hay Đà Lạt. Nhờ vậy, giá rau húng lủi được trồng ở Hóc Môn bao giờ cũng cao hơn từ 5.000-8.000 đồng/kg.
Mỗi ngày, gia đình ông Nghĩa và ông Cưng cung cấp cho các chợ đầu mối khoảng 100 kg rau húng lủi. Giá rau có thể thay đổi theo mùa, đợt cao điểm rau khan hiếm giá có thể đội lên tới 30.000 đồng/kg (hiện tại là 20.000 đồng/kg). Thỉnh thoảng, rau khan hiếm do trùng thời điểm đang trồng, các chủ vựa rau yêu cầu nhưng không đủ số lượng.
Sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm gia đình ông Cưng và ông Nghĩa thu về khoảng 100 triệu đồng. Nhiều hộ nông dân ở ấp 1, xã Nhị Bình cho biết so với trồng rau cải, việc chăm sóc cây húng lủi đỡ cực hơn, thu nhập cũng khá hơn. Hiện rất đông nông dân ở các vùng phụ cận tìm đến xã Nhị Bình tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng loại rau này.
“Gia đình tôi sinh sống bằng nghề nông bao lâu nay, không ngại vất vả nhưng phải tìm được giống cây cho thu nhập ổn định như rau húng lủi rất khó. Chỉ cần chịu khó chăm sóc, rút tỉa kỹ thuật thì chắc chắn cây rau sẽ cho năng suất cao” – bà Thái Thị Thu, một nông dân ở xã Nhị Bình, cho biết.