Đàn lợn của anh Páo có giá đến 100.000 đồng mỗi kg thịt hơi, nhờ nuôi chạy bộ và thức ăn dân dã (thân chuối, thảo dược, ngô, bỗng rượu…).
Lợn đen là giống lợn bản địa của người Dao và H’mông tại Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Xưa kia, bà con thường thả rông lợn, cho chúng tự kiếm ăn hàng ngày. Giống lợn chống chịu tốt với khí hậu khắc nghiệt của núi đá Mèo Vạc và địa hình chăn thả dốc.
Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng, anh Hoàng A Páo (thôn Há Chế) bắt đầu nuôi lợn đen theo mô hình bán chăn thả từ năm 2016 nhằm cải thiện kinh tế.
Từ 10 con lợn ban đầu, anh Páo tự nhân giống thành đàn lớn 60 con. Lợn con được tiêm đủ các loại văcxin phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng… để đảm bảo khỏe mạnh.
Anh Páo nuôi gối lợn nái, lợn con hậu bị và lợn thương phẩm để cung cấp đều đặn hàng tuần cho thương lái. Vùng đất quanh nhà được tận dụng trồng cỏ voi, chuối, hà thủ ô, giảo cổ lam, ba kích cho lợn ăn. Ngoài cỏ, lợn được bổ sung thêm 2 bữa thức ăn phối trộn gồm thân chuối, cỏ, ngô và bỗng rượu để hỗ trợ tiêu hóa vào 5-6h và 17-18h hàng ngày.
Anh Páo còn mua mô tơ chế thêm máy thái cỏ và cắt chuối; đầu tư máy tách hạt, nghiền ngô và nấu rượu để lấy bỗng rượu làm thức ăn gia súc.
Theo anh Páo, cách nuôi truyền thống khiến lợn chậm lớn, tỷ lệ sống thấp. Song khi áp dụng kỹ thuật phòng bệnh trong chăn nuôi và đầu tư thức ăn, lợn lớn nhanh và cho chất lượng thịt tốt hơn.
Hàng ngày, lợn được thả ra từ sáng sớm, đến tối về ngủ trong chuồng lót trấu, mùn cưa và chế phẩm sinh học để khử mùi, giữ ấm vào mùa rét vùng cao. Lớp đệm lót được thay 2 tháng mỗi lần và tận dụng làm phân bón cho cỏ.
Lợn nuôi 4-8 tháng đạt trọng lượng 15-25kg thì bắt đầu xuất chuồng, nuôi hơn một năm có thể đạt 50-70kg. Tùy theo nhu cầu của khách hàng mà anh Páo xuất bán tùy giai đoạn.
Giá thịt lợn dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi kg theo thời gian nuôi. Thịt lợn đỏ, khổ dày, thơm ngon, còn mỡ trắng tinh nên được người tiêu dùng ưa thích.