Hội Giống cây trồng Việt Nam vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả và Trung tâm Giống cây trồng Sông Hồng tổ chức thành công hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả dự án “Ghép cải tạo giống nhãn bằng kỹ thuật ghép chồi non” tại thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Hầu hết các đại biểu và bà con nông dân tham dự hội nghị đều đánh giá cao kết quả của phương pháp ghép cải tạo mới này và mong muốn sớm được chuyển giao để áp dụng vào sản xuất.
TS. Bùi Quang Đãng, Phó bộ môn Nghiên cứu cây ăn quả của Viện Nghiên cứu Rau quả, chủ nhiệm đề tài cho biết: Mục tiêu của đề tài là hoàn thiện qui trình ghép cải tạo trên cây nhãn bằng nhiều phương pháp trong đó có phương pháp ghép chồi non sớm trình Bộ NN-PTNT ban hành như một tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất giúp người trồng nhãn có điều kiện cải tạo lại các vườn nhãn kém hiệu quả.
Dự án ghép cải tạo giống nhãn bằng kỹ thuật ghép chồi non được triển khai đồng bộ tại 4 điểm (mỗi điểm bố trí 1ha): Hà Trung (Thanh Hóa), Đông Anh (Hà Nội), Khoái Châu (Hưng Yên) và Thuận Thành (Bắc Ninh). Phương pháp ghép chồi non là sáng kiến cải tiến kỹ thuật của kỹ sư Nguyễn Văn Vui ở thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được Hội đồng KHCN Bộ Nông nghiệp-PTNT cho phép đưa vào thử nghiệm trong dự án này từ năm 2008.
Sau gần 3 năm triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành các nội dung nghiên cứu: xác định được thời vụ ghép, tiêu chuẩn cây gốc ghép, cây lấy chồi ghép, kỹ thuật ghép, chăm sóc cây sau ghép… và chuyển giao cho nông dân các điểm dự án thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật.
Thăm vườn nhãn 420 cây lúc lỉu quả của chính chủ nhân dùng làm mô hình thử nghiệm, trong đó có 120 cây đã được ghép chuyển đổi giống từ nhãn thóc sang các giống cho năng suất cao, chất lượng tốt, mã quả đẹp, đồng đều và có thời vụ thu hoạch sớm, muộn khác nhau đưa lại giá trị kinh tế rất cao như: nhãn chính vụ Hương Chi, PHT99-1.1; nhãn chín sớm PHS99-1.1, nhãn chín muộn PHM99-1.1, PHM 99-2.1, HTM1, HTM2 của Viện Nghiên cứu Rau quả… đang trong thời kỳ thu hoạch trong khi những cây nhãn địa phương được dùng làm đối chứng không cho quả các đại biểu mới thấy hết công sức và lòng yêu nghề của người “kỹ sư làng” này. Anh Vui cho biết: Mỗi năm gia đình anh thu nhập từ vườn khoảng 100 triệu đồng, chủ yếu là nhờ nhãn ghép từ các giống chín sớm và chín muộn bán được giá cao.
Tất cả các vườn cây của hộ gia đình trong thôn hoặc các điểm dự án được Trung tâm Giống cây trồng Sông Hồng chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo năm nay đều cho quả sai, bán được giá, nhiều hộ đã có nguồn thu vài ba chục triệu đồng. Nói về ưu điểm của phương pháp, tác giả Nguyễn Văn Vui cho biết: Dễ thao tác, tỷ lệ cây ghép sống cao, chồi ghép sớm liền sẹo và sinh trưởng mạnh hơn các phương pháp ghép khác, tỷ lệ cây ra hoa hầu như 100% nếu biết kết hợp với các biện pháp kỹ thuật khác như khoanh vỏ, bón phân, xiết nước, tưới nước đúng lúc, đúng cách.
Đánh giá kết quả dự án, Viện sỹ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam nhận xét: Các công thức thử nghiệm đã chứng tỏ tính ưu việt của phương pháp ghép cải tạo. Tuy chỉ là một biện pháp kỹ thuật ghép bổ sung trong nhiều biện pháp ghép cải tạo khác nhưng kết quả bước đầu rất khả quan, tất cả các điểm dự án đều cho kết quả tốt: tỷ lệ cây ghép sống cao, 100% cây ghép năm 2009 đều ra hoa, đậu quả và có năng suất cao, chất lượng tốt, mã quả đẹp, thời gian thu hoạch đúng theo lịch của từng giống. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn tốt để các tác giả tiếp tục hoàn thiện qui trình, báo cáo Hội đồng KHCN của Bộ Nông nghiệp-PTNT xem xét, đánh giá, nghiệm thu trong thời gian tới.